Thủ tướng: Tập trung phục hồi kinh tế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh

(PLVN) - Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Nêu rõ quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh.  Thủ tướng yêu cầu không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh.

Về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng cho biết, chúng ta muốn tăng trưởng cao hơn nữa nhưng tình hình thế giới tăng trưởng âm, những đối tác lớn bị ảnh hưởng, cả cung và cầu đều yếu nên tăng trưởng của chúng ta ở mức độ vừa phải. Cùng với đó, cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, các ngành tài chính, kế hoạch, ngân hàng, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các bộ có liên quan đều phải xây dựng kịch bản điều hành cụ thể quý III năm 2020 và năm 2021. “Các đồng chí đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn lắm, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn”, Thủ tướng nói. 

Đối với đầu tư công, nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng thì sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị phải giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA, với những biện pháp mạnh mẽ; coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020; xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải có những tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Chủ tịch các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng, Trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử, vừa tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế, giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng để tạo thuận lợi, ít tốn kém chi phí hơn. Môi trường kinh doanh phải thông thoáng hơn để thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.

Trong tuần cuối tháng 7, đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng dịch bệnh cơ bản trong tầm kiểm soát. Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới của Thủ tướng về các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. 

Đọc thêm