Thủ tướng yêu cầu NHNN giải trình 6 vấn đề

(PLO) - Hôm qua (18/7), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao và các giải pháp góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước.

Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Tổ công tác kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương về các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 trong điều kiện có nhiều thuận lợi nhưng thách thức cũng rất lớn. NHNN là đơn vị thứ 28 mà Tổ công tác kiểm tra và là đơn vị thứ 4 được kiểm tra, đôn đốc mục tiêu tăng trưởng

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt 6 vấn đề mà NHNN cần giải trình, đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhất. 

Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất. Đây là vấn đề rất quan trọng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm từ 18 - 20%. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương gần đây, Thủ tướng có đặt vấn đề là làm sao tín dụng này không nên chảy vào một số “đại gia” mà phải chảy vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, DN sản xuất kinh doanh, tức là chảy vào đầu tư sản xuất, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN. 

Vấn đề thứ hai là xử lý nợ xấu. Theo đó, NHNN phải có giải pháp thực hiện sớm, thực hiện tốt Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết, có hướng dẫn cụ thể các tổ chức tín dụng từ việc bán tài sản bảo đảm, bán nợ xấu…

Một vấn đề nữa theo Bộ trưởng Dũng thì Thủ tướng rất quan tâm, trăn trở và nhắc lại nhiều lần đó là NHNN nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực rất lớn trong dân. “Làm sao huy động được nguồn lực USD đang nằm trong dân, thay vì gửi với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này, hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư. NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô-la hóa, nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì làm sao huy động được nguồn lực này?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu vấn đề đối với các lãnh đạo NHNN.

Bên cạnh đó, mặc dù NHNN ban hành Thông tư 36 thì việc sở hữu chéo được kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải không còn. Ví dụ trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB, thì đến thời điểm này Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank.

NHNN cần tiếp tục quan tâm tới một số lĩnh vực như: Qua tiếp xúc, một số DN đang rất khó khăn với các thủ tục liên quan tới tài sản trên diện tích đất thuê. “Thống đốc tính toán thế nào để tạo thuận lợi cho DN, dù đất thuê nhưng tài sản trên đất làm sao có thể thế chấp để vay vốn”, Bộ trưởng Dũng truyền đạt. Đặc biệt, Thủ tướng cũng lưu ý, NHNN phải tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an toàn cho người gửi tiền. “Chúng ta đang khuyến khích người dân thay vì sử dụng tiền mặt thì sử dụng các hình thức khác, nên việc bảo đảm an toàn thông tin, an toàn ATM là rất quan trọng, nếu không sẽ ảnh hưởng tới lòng tin người gửi tiền”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hiện tại NHNN đã hoàn thành đa số nhiệm vụ Chính phủ giao. Với sáu nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện nghiêm túc để đạt kết quả tốt, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%. 

Đọc thêm