Thực tế đáng lo ngại tại các cụm công nghiệp Hà Nội

(PLVN) - Trên địa bàn Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp (CCN) hoạt động, hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686ha, trong đó, có 1.392ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Các CCN đã thu hút khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. Trong đó 26 CCN có các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ như các cụm công nghiệp Quất Động mở rộng, Ngọc Hồi, Từ Liêm, thị trấn Phùng…, giúp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Nằm ở phía nam Hà Nội, huyện Thường Tín có hàng trăm làng nghề, nhu cầu về mặt bằng sản xuất tập trung rất lớn. Trên địa bàn huyện này hiện có 10 CCN hoạt động, nhiều nhất Hà Nội. Hầu hết diện tích các CCN ở đây đều đã được lấp đầy, với hơn 900 doanh nghiệp, hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động địa phương và vùng lân cận.

Tuy nhiên, bên cạnh các CCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, quản lý chặt chẽ, còn nhiều CCN hình thành từ nhiều năm trước tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về phòng, chống cháy nổ. 

Cụ thể, 17 CCN nằm xen lẫn trong khu dân cư nên không có quy hoạch hạ tầng giao thông riêng; 27 CCN chưa có hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng; 44 CCN chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; 59 CCN chưa có bãi tập kết, phân loại chất thải rắn. Đáng lo ngại nhất là hầu hết CCN chưa được đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định...

Trước thực tế này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn 4517/UBND-KT về “Tăng cường công tác quản lý các CCN đang hoạt động trên địa bàn TP”, yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý các CCN. Công văn cũng yêu cầu Sở Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo UBND TP ban hành “Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn TP” làm cơ sở cho việc triển khai công tác quản lý các CCN.

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết TP đã có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông Thăng dẫn ví dụ về Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội được áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất công nghệ cao như: Được thuê đất 70 năm, các ngân hàng hỗ trợ về vốn vay…

Theo Sở Công Thương, xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp, CCN của Hà Nội là đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, do đó các doanh nghiệp sẽ tăng vốn đầu tư vào một đơn vị diện tích đất bằng việc tăng mật độ sử dụng đất, đầu tư thiết bị, công nghệ cao, đầu tư dây chuyền đồng bộ; sử dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất… qua đó tăng hiệu quả sử dụng đất.

Năm 2020, Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, xuất khẩu dựa trên những lợi thế, tiềm năng. TP cũng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cho từng chuyên ngành, nhóm hàng xuất khẩu riêng. Với ngành hàng linh kiện điện tử, máy tính và thiết bị ngoại vi, sẽ xây dựng thí điểm một số CCN điện tử nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, trong đó hạt nhân sẽ là các công ty đa quốc gia...

Đọc thêm