Thực thi Luật Doanh nghiệp 2014: Đăng ký kinh doanh dần ổn định

(PLO) - Từ ngày 01/7/2015, Luật Doanh nghiệp 2014 đã chính thức có hiệu lực. Luật Doanh nghiệp 2014 được đánh giá đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ những hạn chế bất cập của Luật cũ, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc nhất định. 
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư xung quanh vấn đề này.
Thưa Ông, Luật Doanh nghiệp 2014 được kỳ vọng là đem lại những cải cách mạnh mẽ cho môi trường kinh doanh, nhưng thực tế triển khai vẫn có doanh nghiệp phản ánh là còn khó khăn vướng mắc trong thi hành. Vậy, Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Để đánh giá được tác động của Luật Doanh nghiệp 2014 lên môi trường kinh doanh thì cần có thêm thời gian và cần sự phối hợp tích cực của nhiều cơ quan liên quan. Luật Doanh nghiệp 2014 với nhiều cải cách đột phá, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp đã bước đầu được cộng đồng đón nhận. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thời gian đầu triển khai không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn của doanh nghiệp và cả cơ quan ĐKKD. Chúng tôi hết sức chia sẻ với điều đó và cũng tiên liệu trước được các vướng mắc có thể nảy sinh, đồng thời, đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để Luật Doanh nghiệp có thể thực thi hiệu quả, giúp cho công tác ĐKKD không bị gián đoạn, xáo trộn.  
Có thể nói, qua hơn 03 tháng thi hành Luật Doanh nghiệp, công tác ĐKKD đã đi vào ổn định, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có những khởi sắc đáng kể. Số lượng doanh nghiệp đăng ký mới 03 tháng đầu đã tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những chính sách tốt, có tính cải cách cho môi trường kinh doanh sẽ được cộng đồng đón nhận.  
Việc cho phép doanh nghiệp tự quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu đã dẫn đến tình trạng mỗi doanh nghiệp sử dụng một loại với kích cỡ, màu sắc, nội dung khác nhau, tạo tâm lý e ngại trong giao dịch của các doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều cơ sở khắc dấu không dám nhận khắc dấu vì lo ngại cũng là một trở ngại đối với các doanh nghiệp. Liệu điều này có cản trở việc thực thi, thưa Ông?
- Con dấu là một thay đổi đột phá của Luật Doanh nghiệp 2014, tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp 2014 về con dấu đã được thay đổi theo hướng tiếp cận với thông lệ của quốc tế. Nhiều nước trên thế giới hiện nay đã bãi bỏ việc tồn tại của con dấu, thay vào đó các giao dịch, hợp đồng được xác nhận bởi chữ ký, chữ ký điện tử. Các doanh nghiệp Việt Nam, thời gian đầu áp dụng, vẫn chưa quen, còn băn khoăn khi “đột nhiên” được trao tay một “quyền năng” lớn. 
Con dấu ngày nay nó không còn ý nghĩa thể hiện giá trị pháp lý của văn bản. Luật Doanh nghiệp trao cho doanh nghiệp quyền tự quyết về số lượng, hình thức, nội dung của con dấu. Chính vì vậy, trong ĐKKD, hồ sơ của doanh nghiệp cũng không yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu, để cải cách cũng cần phải có lộ trình, cần thời gian để doanh nghiệp, xã hội hiểu được tinh thần đổi mới, giảm dần sự lệ thuộc vào con dấu trong giao dịch với đối tác, bạn hàng, cơ quan nhà nước.
Qua một thời gian thi hành, đến nay đã có 34.000 mẫu con dấu được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Có con dấu hình vuông, có con dấu hình tròn, có màu mực đỏ, có màu mực xanh… Tuy nhiên, qua đánh giá ban đầu, hầu hết các mẫu dấu mới không khác biệt so với quy định trước đây. 99,9 % doanh nghiệp vẫn sử dụng mẫu con dấu tròn, với kích cỡ tương đương so với quy định cũ. Về hình thức, các thông tin chi tiết đúng như con dấu cũ (gồm tên, mã số doanh nghiệp, loại hình, tỉnh, thành phố…)
Có thể thấy, quy định mới đã được doanh nghiệp, người dân nắm bắt kịp thời và đang dần thích nghi với thay đổi này. Doanh nghiệp cũng tự nghiên cứu, lựa chọn mẫu con dấu để phù hợp, thuận lợi cho công việc kinh doanh, giảm thiểu sự e ngại của đối tác với hoạt động của mình.
Thưa Ông, có phản ánh cho rằng, hiện nay, một số Bộ/Ngành vẫn ban hành những điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về hiện tượng này, thưa Ông?
- Tiếp theo những kết quả đạt được trong năm 2014, ngày 12/3/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2015-2016. Nghị quyết 19 trong đó xác định mục tiêu quan trọng là: Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm; Phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6 vào năm 2015 và ASEAN-4 vào năm 2016. 
Đồng thời, để thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 59, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành  thực hiện rà soát, sửa đổi, đề xuất bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn hợp lý, tuy nhiên, qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 19, vẫn chưa có kết quả rõ ràng. 
Tôi cho rằng, Chính phủ đã chấp nhận cuộc đua tranh cùng các nước với mục tiêu là môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể thua kém hơn. Đặc biệt, cuối năm nay Việt Nam sẽ gia nhập toàn diện trong cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định TPP… Để làm được điều đó, các Bộ, ngành, địa phương cần phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này và thực hiện nghiêm túc các quy định về ban hành điều kiện kinh doanh để không làm chậm quá trình cải cách, bỏ lỡ cơ hội đổi mới của đất nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện, có doanh nghiệp phản ánh khi nộp hồ sơ vẫn còn bị quá tải khi tiếp nhận, vậy, phải chăng là một số Sở Kế hoạch & Đầu tư đang quá tải, thưa Ông?
- Mặc dù đây là vấn đề đã được tiên liệu từ trước, tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn xảy ra hiện tượng quá tải tại một số nơi, đặc biệt là tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, điều này xuất phát từ 4 nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng lên nhiều. Trong 3 tháng đã có 22.941 doanh nghiệp được thành lập, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho nền kinh tế khi những quy định đổi mới của Luật Doanh nghiệp đã được cộng đồng đón nhận. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh khiến cho khối lượng công việc của Phòng ĐKKD tăng lên đáng kể.
Thứ hai, Luật Doanh nghiệp đã rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Từ 1/7, thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp còn tối đa 3 ngày làm việc. Có thể nói: số lượng hồ sơ tăng lên, thời gian giải quyết thủ tục ngắn đi, trong khi biên chế không tăng thì áp lực lên cơ quan đăng ký kinh doanh là rất rõ ràng.
Thứ ba, Luật Doanh nghiệp được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, lấy phần khó về phía nhà nước nên khối lượng công việc của Phòng ĐKKD tăng lên đáng kể. Nhiều công việc trước đây do doanh nghiệp phải làm bây giờ cơ quan nhà nước làm thay cho doanh nghiệp.
Thứ tư, Luật Doanh nghiệp đã giao thêm nhiều nhiệm vụ cho Cơ quan ĐKKD như: đăng tải công khai mẫu dấu của doanh nghiệp, đăng ký cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... trong khi biên chế cơ quan đăng ký kinh doanh không tăng lên, thậm chí có nơi còn giảm đi do chủ trương tinh giảm biên chế. Điều này tạo áp lực rất lớn cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Ví dụ: trong 3 tháng đầu triển khai Luật Doanh nghiệp đã có 34.000 doanh nghiêp yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh đăng tải mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Xin cảm ơn Ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình sẽ được phát sóng vào 08h55’ Thứ Bảy ngày 31/10/2015 và phát lại vào 14h00’ Chủ nhật 01/11/2015  trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam. 
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/ 

Đọc thêm