Thương vụ “lùm xùm” về chiếc máy đo Histamin

(PLO) - Để đủ điều kiện ký hợp đồng với một đối tác lớn ở nước ngoài, DN sản xuất bột cá phải đầu tư trang thiết bị một phòng thí nghiệm, trong đó có máy đo Histamin mua của một DN tại TP HCM. Tuy nhiên, khi sang Việt Nam, phía đối tác cho rằng phòng thí nghiệm không đạt điều kiện dẫn đến hai bên không thể ký kết hợp đồng. DN bột cá sau đó đã không trả tiền trang thiết bị đã mua.
Hợp đồng và biên bản bàn giao máy
Hợp đồng và biên bản bàn giao máy

Mua máy chỉ để đối phó? 

Trong đơn gửi Báo PLVN, Cty T.H.M - chuyên cung cấp các thiết bị đo lường, kiểm nghiệm các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm… cho rằng Cty Kiên Hùng đã không trả nợ khi mua máy kiểm tra hàm lượng Histamin trong bột cá.

Theo Hợp đồng ký kết giữa 2 DN này, khi T.H.M hoàn tất việc giao đủ số lượng, đúng chất lượng và cho máy vận hành thì bên Kiên Hùng phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ chi phí cho T.H.M. Tuy nhiên, sau khi nhận máy xong, Kiên Hùng nêu ra nhiều lý do không thỏa đáng để “chây ỳ”, kéo dài việc thanh toán hơn 11 tháng nay gây thiệt hại cho Cty T.H.M.

Ông Dương Công Trịnh - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Cty Kiên Hùng cho hay: Từ lúc thành lập năm 2008 đến nay, DN không có máy đo đạc Histamin. Nếu khách mua hàng có yêu cầu kiểm tra thì Kiên Hùng đem mẫu lên Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP HCM (gọi tắt là CASE) kiểm tra. Ngoài ra, Cty vẫn bán hàng bình thường (tức không đo đạt hàm lượng gì cả - PV). Khi được hỏi, phía DN có chuyên gia về thí nghiệm hay có kinh nghiệm gì về kiểm tra hàm lượng Histamin không thì ông Trịnh cho biết là không có kinh nghiệm hay hiểu biết gì về loại máy này.

Trưởng phòng Kiểm nghiệm Cty Kiên Hùng, ông Trương Ngọc Ân cũng xác nhận ông cũng chưa có kinh nghiệm gì về lĩnh vực này. Ông Ân cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Kiên Giang ông được nhận vào công ty làm luôn nên chưa có kinh nghiệm thực tế. Ông Ân còn xác nhận, sau hơn 5 lần tiếp nhận việc bàn giao công nghệ từ phía T.H.M nhưng  ông cũng không tiếp thu hết..

Để thông tin đa chiều, PLVN đã gặp ông Nguyễn Thành Hùng – Giám đốc Cty T.H.M thì được biết, lý do là máy kiểm tra không ra chỉ số như mong muốn của Kiên Hùng. Ông Hùng phân tích: Ngay từ đầu T.H.M đã cung cấp máy đúng với hợp đồng, đúng máy kiểm tra hàm lượng Histamin có trong bột cá.

Theo ông Hùng, để máy đo Histamin có kết quả chính xác thì đòi hỏi phòng thí nghiệm phải đáp ứng đủ điều kiện tối thiểu. Nhưng ở đây phía Kiên Hùng không đáp ứng điều kiện này. Cụ thể, phòng thí nghiệm không có tủ  lưu trữ mẫu thử, mẫu chuẩn, không có thiết bị xử lý mẫu đúng quy trình; phòng thí nghiệm cũ kỹ, ẩm thấp; đặt máy đo gần các thiết bị khác có nhiệt độ cao, hơi hóa chất mạnh… gây ảnh hưởng đến kết quả. 

Ông Hùng cũng cho biết, Cty T.H.M khi giao máy đã bàn giao công nghệ, hướng dẫn vận hành và nhiều lần nhắc nhở yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc, bổ sung các thiết bị thiếu hụt và yêu cầu tuyển thêm cán bộ có chuyên môn về sử dụng thiết bị và phân tích chỉ tiêu Histamin thay thế người vừa làm Trưởng phòng Kỹ thuật, kiêm Quản đốc phân xưởng, kiêm thu mua nguyên liệu nhưng bị “phót lờ”.

Máy 150 triệu đồng đòi cho ra kết quả như máy 8 tỷ đồng? 

Giám đốc Cty T.H.M cho biết thêm, trung tâm CASE có trang bị công nghệ rất hiện đại, có giá trị trên 8 tỷ đồng nên cho ra kết quả rất khách quan, trong khi Cty Kiên Hùng nghĩ chỉ mua máy trị giá khoảng 150 triệu đồng mà đòi ra kết quả như máy của CASE. “Nói như kiểu Kiên Hùng thì CASE cần gì phải mua máy vài tỷ, chỉ mua máy khoảng 150 triệu kiểu Kiên Hùng là xong…”, Giám đốc T.H.M nói.

Giám đốc T.H.M cho biết, khi xuống bàn giao công nghệ, ông có nghe Giám đốc phân xưởng của Kiên Hùng nói rằng, máy này kiểm tra đơn giản như đo độ pH. Nghe cách hiểu không đúng về máy này nên ông có phân tích nhưng Cty Kiên Hùng vẫn không đáp ứng được yêu cầu đề ra mà ràng buộc máy của T.H.M phải cho ra kết quả tương tự như máy của CASE.

“Khi chúng tôi giải thích muốn có kết quả như CASE,  Kiên Hùng phải nâng cấp thêm trang thiết bị xử lý mẫu và đáp ứng đủ điều kiện thực tế cũng như  bổ sung trình độ người vận hành máy nhưng phía Kiên Hùng cho rằng chúng tôi “vẽ vời” để thu thêm chi phí”, ông Hùng nói.

Ông Huỳnh Công Luận  - Giám đốc phân xưởng Cty Kiên Hùng trưng cho chúng tôi hai kết quả, một từ phía CASE và một là kết quả từ máy của Cty T.H.M và nói: “Hai kết quả có sự chênh lệch xa như vậy thì sao chúng tôi thanh lý hợp đồng được?”. Ông Luận cũng cho biết, phía T.H.M có đề xuất nhận lại máy, yêu cầu trả thêm hơn 40 triệu chi phí phát sinh nhưng Kiên Hùng chỉ chấp nhận trả máy và chỉ trả hơn 16 triệu đồng về các chi phí phát sinh khác.

Giám đốc  Cty T.H.M đã bác bỏ hoàn toàn thông tin trên. Ông Hùng cho rằng T.H.M không có yêu cầu nhận lại máy mà đó là đề xuất từ phía Kiên Hùng. “T.H.M bán hàng theo hợp đồng rõ ràng, nếu không đúng thì Kiên Hùng làm sao nhận máy và đưa vào sử dụng gần cả năm qua. Kiên Hùng đã ký biên bản nhận hàng rồi mà đến nay không thanh toán lại đỗ lỗi cho chúng tôi, vậy chẳng khác nào là “quỵt” tiền? Chúng tôi đang làm thủ tục khởi kiện ta Tòa án yêu cầu Kiên Hùng phải thanh toán số tiền còn lại hơn 100 triệu sau khi trả trước hơn 30 triệu đồng”, ông Hùng cho hay.

Histamine - là một amin sinh học (công thức hóa học C5H9N3); Có tính hút nước, chịu được nhiệt cao mà không bị phá hủy và liên quan trong hệ miễn dịch cục bộ cũng như việc duy trì chức năng sinh lý của ruột và hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh. Nếu hàm lượng Histamin vượt quá ngưỡng cho phép, nhẹ thì bị mẩn ngứa, nghiêm trọng sẽ dẫn đến tử vong cho con người và động vật khi bị nhiễm. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến vấn đề hô hấp khi thường xuyên hít phải…

Đọc thêm