Tỉ phú “hai lúa” và những ngày khởi nghiệp gian nan

(PLO) - Từ hai bàn tay trắng dựng nên cơ nghiệp tiền tỉ, ông được nhiều người khâm phục và được cơ quan chức năng tặng nhiều bằng khen. Đó là ông Tu Thanh Hường (ngụ tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). 
Ông Hường trong buổi nhận Bằng khen của tỉnh Ninh Thuận
Ông Hường trong buổi nhận Bằng khen của tỉnh Ninh Thuận

Tháng năm không tuổi thơ

Tiếp phóng viên trong một chiều muộn, người đàn ông với làn da ngăm đen bởi cái nắng, cái gió của vùng đất được mệnh danh “chảo lửa” Ninh Thuận tâm sự về chuyện đời của mình bằng sự chân chất, mộc mạc của một “Hai lúa” đúng điệu. Ông Hường nói: “Có được cơ ngơi như bây giờ, lúc bắt đầu của tôi gian nan lắm mấy chú ạ”.

Khi được hỏi về những thành công hôm nay, ông Hường cười: “Bí quyết thành công của tôi cũng không có gì mới mẻ, chỉ là phải đọc nhiều sách báo liên quan đến nghề của mình, tìm hiểu kĩ từng công đoạn và phải áp dụng thực hành liền ngay sau đó để tìm ra phương thức phù hợp nhất thì sẽ dẫn đến thành công”.

Rồi ông kể, sinh ra trong một gia đình thuần nông nghiệp, nhà lại đông anh em nên hầu như chẳng ai được học hành đến nơi đến chốn. Tốt nghiệp sơ cấp, ông phải bỏ học ở nhà đi làm thêm ở tiệm bánh ngọt dưới TP.Phan Rang để có tiền nuôi sống bản thân. Rồi từ một công nhân làm bánh ngọt, ông Hường học hỏi được một số kinh nghiệm về mở lò bánh ngọt, bán ở nhà. Nhưng vì chưa nhiều kinh nghiệm nên lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại. Sau đó, ông thử một vài nghề nữa nhưng đều không thành công. 

“Những ngày tháng đó đối với tôi là một quá trình gian khổ triền miên. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi học được nhiều thứ từ sự thất bại lẫn cay đắng của mình. Đối với tôi, dù làm công việc gì cũng phải nghiên cứu kĩ lưỡng về mọi khía cạnh của vấn đề, không thể cứ thấy người khác làm được là mình lại đầu tư vào mà không hề am hiểu một chút gì về nghề đó. Tôi đã trải qua rất nhiều nghề, nhưng nghề nào cũng thu được thành công là nhờ quá trình tự học và nghiên cứu không ngừng nghỉ”, ông Hường tâm sự.

Sau nhiều năm bôn ba xa quê hương, khi trở lại mảnh đất quê nhà nhưng chỉ có hai bàn tay trắng, nhiều đêm ông nằm vắt tay lên trán suy nghĩ và thầm nhủ: Chẳng lẽ đời mình cứ nghèo mãi như thế này? Rồi còn vợ con sau này nữa biết bám víu vào đâu? “Nghĩ vậy nên tôi quyết tâm làm một cái gì đó… ra trò. Trời Phật cũng thương tình nên tôi mới có được ngày hôm nay”, người đàn ông nhớ lại nguồn động lực đã giúp mình cố gắng.

Ông Tu Thanh Hường
Ông Tu Thanh Hường

Giúp nhau cùng làm giàu

Dẫn chúng tôi ra đìa tôm của mình ở mép biển Từ Thiện gần nhà, ông Hường cho biết, để có được tài sản như ngày hôm nay vợ chồng tôi phải  cảm ơn người thân và bạn bè đã tin tưởng giúp đỡ giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn trong chặng đường khởi nghiệp. 

Có kinh nghiệm nhiều năm đi biển, ông Hường chuyển từ Mỹ Hải lên Sơn Hải để khởi nghiệp lại từ việc vay vốn ngân hàng để mua 10 con dê bách thảo. Sớm  gắn bó với đàn dê, ông nghiên cứu về đặc điểm sinh trưởng và biện pháp phòng chữa bệnh gia súc nên đàn dê phát triển một cách nhanh chóng. Chỉ vài năm sau, đàn dê của ông đã tăng lên hơn 400 trăm con. 

Ngỡ tưởng rằng “vận đen” đã qua và bắt đầu gặt hái thành công từ việc nuôi dê, nào ngờ giá dê thịt và dê giống giảm mạnh khiến vợ chồng ông thêm một phen khốn đốn. Tuy vậy, vợ chồng ông chỉ bán một nửa số dê lấy tiền đầu tư việc khác, số còn lại tiếp tục chăn nuôi đợi đến lúc được giá. Với số tiền bán dê, vợ chồng ông trả dần một khoản nợ trước đó, số còn lại đầu tư nuôi tôm sú.

Cuối năm 2000, vợ chồng ông thuê 1 ha mặt nước để đầu tư nuôi tôm sú ở ven biển Từ Thiện. Sau nhiều phen thất bại, cuối cùng thành quả cũng tìm đến với vợ chồng ông Hường khi vụ đầu vợ chồng ông thu được 6,5 tấn tôm thịt với doanh thu gần 800 triệu đồng. Thắng lợi ban đầu khiến vợ chồng ông phấn khởi mở rộng diện tích tôm nuôi lên gần 7 ha với nhiều loại khác nhau để phục vụ nhu cầu của thị trường như tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng… 

Nhờ có kiến thức cơ bản, ông Hường áp dụng những tiến bộ của khoa học kĩ thuật để đạt được hiệu quả cao trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, ông còn vận động những nông hộ liền kề hình thành mô hình hình liên kết nuôi tôm an toàn sinh học. Hiện mô hình này của ông Hường  được nhiều người dân ủng hộ và cùng nhau thực hiện, tính đến nay đã có 15 thành viên trong nhóm nuôi tôm liên kết. 

Từ ý tưởng khởi nguyên của ông Hường, nhóm đã có những hoạt động thiết thực hỗ trợ cho nhau về việc trao đổi các phương thức kĩ thuật nuôi trồng, về nguồn thức ăn sạch cũng như việc vệ sinh hồ nuôi, theo đó giá trị tôm nuôi xuất khẩu được đẩy mạnh, tạo doanh thu ngày càng cao cho những thành viên trong nhóm. Cho đến những năm gần đây, đìa nuôi tôm của vợ chồng ông Hường mỗi năm cho xuất đìa khoảng 150 – 200 tấn tôm thương phẩm, doanh thu trên 10 tỉ đồng.

“Nhìn vào con số thực tế 10 tỉ đồng thật là lớn so với suy nghĩ của nhiều người, nhưng công cán dành cho đìa tôm cũng không ít, nào là thức ăn, thuốc, giống tôm và những máy móc liên quan. Đó là chưa kể đến trường hợp tôm dịch bệnh là coi như trắng tay và phải thiếu nợ, chính nhờ mô hình liên kết này mà việc nuôi trồng thủy sản nói chung và tôm nói riêng đạt được hiệu quả tích cực hơn, thu nhập cho người nuôi trồng cũng ổn định hơn”, ông Hường chia sẻ. 

Đọc thêm