Tiền lưu niệm của ngành ngân hàng: Mua xong “sang tay” tại chỗ

(PLO) - Mỗi người chỉ được mua tối đa 20 tờ tiền loại rời và 5 tờ tiền loại Folder, tổng cộng 525.000 đồng, phải xuất trình chứng minh nhân dân mà không phải ai cũng may mắn được sở hữu đồng tiền lưu niệm của ngành ngân hàng. Ngay cả nhân viên ngân hàng cũng chưa được mua đồng tiền này vì "ưu tiên cho nhân dân mua trước".
Tiền lưu niệm của ngành ngân hàng: Mua xong “sang tay” tại chỗ

11h hôm qua (14/4), ngày thứ ba phát hành tiền, phóng viên PLVN có mặt tại 16 Tông Đản, cổng sau trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN), được bảo vệ thông báo hết giờ, hẹn chiều quay lại. Thấy vẻ tần ngần, một nhân viên bày cách: “Cứ khoảng 12h30 chị đến đây xếp hàng thế nào cũng mua được”. Buổi chiều quay lại điểm bán tiền của NHNN, mặc dù đã quá 15h song dòng người vẫn rồng rắn xếp hàng ra tận lòng đường Tông Đản, chủ yếu là đối tượng học sinh, sinh viên và những người lớn tuổi. 

Không khí trở nên náo động hơn khi phía quầy thông báo hết tiền. Nhiều người nhao nhao trình bày rằng đã đi mấy lần không mua được, rằng nhà xa, rằng đã đăng ký tại email nhưng không thấy phản hồi… Không trường hợp nào được giải quyết song vẫn nấn ná chầu chực hỏi thăm kinh nghiệm của những người may mắn. “Bán vào giờ này thì làm sao chúng tôi mua được,…”- một người dân lần thứ hai mua hụt cho biết.

Trao đổi nhanh với PLVN, một lãnh đạo của Cục Phát hành kho quỹ có mặt tại quầy bán cho biết, mỗi ngày có khoảng 1.000 người dân đến mua tiền. Hỏi về giờ bán tiền không thuận lợi cho người dân có nhu cầu, nữ lãnh đạo này giải thích: “Chúng tôi còn phải có thời gian kiểm kho quỹ”. Rời NHNN, một người dân gần đấy cho biết, có người mua xong đã bán ngay với giá 50.000 đồng/tờ phía bên kia đường.

Tại chợ “đô” di động ở phố Đinh Lễ, cách trụ sở NHNN không xa, các "phe" đon đả mời chào “bao nhiêu cũng có” và "hét giá" 130 nghìn đồng/tờ (loại tờ rời) và 140 nghìn đồng/tờ (loại Folder). Trong khi NHNN bán ra loại tờ rời là 20.000đồng/tờ, loại Folder là 25.000đ/tờ. 

Khi được xem những hình ảnh phóng viên ghi lại cảnh xếp hàng mua tiền lưu niệm, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thốt lên: “Như thời bao cấp!”. Theo ông, một khi việc mua bán trở nên khó khăn thì việc đầu cơ, mua đi bán lại để sinh lợi cũng là điều dễ hiểu và vô hình trung đã mất đi ý nghĩa của một đồng tiền lưu niệm. Sự tò mò, hào hứng với đồng tiền mới được thông tin là hiện đại nhất hiện nay cũng là điều dễ hiểu, song người dân có nhu cầu thực sự lớn như vậy chỉ để lưu niệm?

Bên cạnh đó, một loạt thông tin về số lượng tiền phát hành, chi phí thực thế cho việc in, phát hành tiền (kể cả được tài trợ), cũng như thời gian bán đồng tiền này vẫn là những thông tin mà dư luận đang quan tâm.

Đọc thêm