Tiền thuế bảo vệ môi trường phải được sử dụng đúng mục đích

(PLO) - Hôm 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó thuế BVMT đối với xăng đã tăng kịch khung. Cuộc tranh luận về mức thuế  tạm thời chấm dứt, song dư luận vẫn chưa hết băn khoăn liệu thuế BVMT có được sử dụng đúng mục đích là BVMT?
Thuế BVMT đối với xăng tăng kịch khung từ 1/1/2019
Thuế BVMT đối với xăng tăng kịch khung từ 1/1/2019

Tăng kịch khung

Theo Nghị quyết được thông qua, duy nhất thuế BVMT đối với mặt hàng dầu hoả giảm, từ 300 đồng/lít  lên 1.000 đồng/lít , thay vì lên 2.000 đồng/lít như đề xuất cũ. Tuy nhiên, thuế BVMT đối với xăng vẫn tăng lên kịch khung 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg. 

Thay vì thời hạn có hiệu lực ngay sau ngày ký như Tờ trình của Chính phủ, Nghị quyết lùi thời hạn có hiệu lực là từ ngày 1/1/2019. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, với việc điều chỉnh lùi thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết sẽ không tác động đến chỉ số CPI năm 2018. Tuy nhiên, với việc điều chỉnh tăng thuế BVMT, trong năm 2019, giá xăng tác động lên CPI từ 0,07 đến 0,09%, tác động làm tăng giá cước vận tải là 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng… Còn đối với sản xuất điện, sản xuất kính, gốm... cơ bản không tác động.

Thu không đủ chi cho BVMT

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm. Cụ thể, năm 2012 là khoảng 11.160 tỷ đồng,  năm 2013 là khoảng 11.512 tỷ đồng, năm 2014 là khoảng 11.970 tỷ đồng, năm 2015 là khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 là khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng. Số thu từ thuế BVMT chiếm tỷ trọng khoảng 1,36%- 4,27% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và chiếm tỷ trọng khoảng 0,34%- 0,98% trên GDP hàng năm. 

Trong đó, số thu thuế BVMT đối với nhóm xăng dầu, than đá chiếm chủ yếu (khoảng 99%) tổng số thu thuế BVMT qua các năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu thu NSNN theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng thu nội địa từ 59% (giai đoạn 2006-2010) lên 68% (giai đoạn 2011-2015), đến năm 2015 chiếm 74% tổng thu NSNN theo đúng định hướng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 là tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước.

Mặc dù số thu từ thuế BVMT tăng lên qua các năm, góp phần động viên sự đóng góp hợp lý của xã hội vào NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có chi giải quyết các vấn đề môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và BVMT, tuy  nhiên, theo Bộ Tài chính, trên thực tế, nhiều năm nay chi NSNN để thực hiện các nhiệm vụ BVMT luôn cao hơn số thuế BVMT thu được. 

Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012- 2016 (chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) vào khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 (số thu thuế BVMT giai đoạn 2012-2016 theo báo cáo trên là 105.985 tỷ đồng, bình quân 21.197 tỷ đồng). 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với biểu thuế được UBTVQH thông qua, mỗi năm ngân sách thu được 15.189 tỷ đồng. Với số tiền này chúng ta có thể đầu tư để xử lý vấn đề môi trường - vấn đề đang rất bức xúc hiện nay. Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về biểu thuế BVMT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý tiền thu được từ thuế BVMT đưa vào ngân sách nhưng phải chi trở lại để cho BVMT chứ không phải thu cái này để chi tiêu chỗ khác, có như vậy mới thuyết phục được người dân. “Người dân thấy nó đúng và sòng phẳng với môi trường, thu từ môi trường để chi BVMT, xử lý những ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho người dân có môi trường sống trong lành… Đúng như tinh thần Hiến pháp là người dân được quyền sống trong môi trường trong lành...”- Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý.

“Đồng ý là cần phải thuế nộp thuế để xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng chúng tôi có vài băn khoăn trong việc thông qua việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu vừa qua. Thứ nhất, hiện nay các cơ quan chức năng gần như vẫn chưa có cách triệt để để xử lý xăng dầu lậu trên địa bàn các tỉnh miền Tây. Bây giờ tăng thuế BVMT sẽ là cơ hội để xăng dầu lậu có đất phát triển vì giá cả giữa xăng dầu lậu và xăng dầu của các công ty sẽ chênh lệch đáng kể, người dân sẽ đổ xô dùng xăng dầu lậu. Các cơ quan chức năng có để ý đến chuyện này không? Và có cách gì để xử lý triệt để nạn xăng dầu lậu không? Nếu không, cứ giá xăng dầu tăng thì DN kinh doanh xăng dầu sẽ “lãnh” đủ. 

Thứ hai, từ việc tăng thuế BVMT này có thể sẽ đẩy giá cả hàng hoá lên, trong khi lương vẫn “đứng im”, dẫn đến việc người dân cắt giảm chi tiêu, trong đó không tránh được việc giảm cả chi tiêu cho xăng dầu. Không lấy ví dụ xa xôi, ngay bản thân tôi, nếu tăng giá xăng dầu tôi cũng sẽ tìm cách tiết giảm chi tiêu. Ví dụ bình thường đi công tác các tỉnh liên tục thì nay tôi sẽ chỉ đi 1 tháng 2 lần, còn lại làm việc qua điện thoại. Tôi là đại diện một DN kinh doanh xăng dầu còn nghĩ đến chuyện đó thì chắc chắn người dân cũng sẽ thế, họ sẽ tìm cách giảm chi tiêu, điều này ảnh hưởng trước hết đến DN xăng dầu, sau nữa là các chỉ số kinh tế…”  - Đại diện Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu nói.

Đọc thêm