Tiếp tục rà soát, bãi bỏ một số ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh

(PLO) -  Để giải quyết rốt ráo vấn đề và nhiều nội dung liên quan, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh đã được Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng, trình Chính phủ, trong đó dự kiến sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ một số ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành.

Còn gặp vướng mắc, lúng túng

Trong thời gian qua, nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng, trong đó có nhiều luật về đầu tư, kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Phá sản, các Luật về thuế… Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư, kinh doanh không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các DN, nhà đầu tư.

Đặc biệt, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã tạo lập cơ sở pháp lý quan trọng để bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà luật không cấm; bãi bỏ các yêu cầu, điều kiện tại thời điểm thành lập DN; đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập DN, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài; bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước; tạo điều kiện cho DN chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý DN.

Tuy nhiên, qua thực tiễn 1 năm triển khai Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Luật về đầu tư, kinh doanh đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các Luật này nhằm nâng cao hiệu quả thi hành, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Nổi bật là việc ban hành Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo phương pháp chọn bỏ.

Mặc dù được đánh giá cao về cách tiếp cận hiện đại, minh bạch, phù hợp với cam kết của Việt Nam theo Hiệp định TPP nhưng cộng đồng DN vẫn đề nghị tiếp tục rà soát, bãi bỏ một số ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không còn cần thiết hoặc trùng lặp.

Mặt khác, việc thực hiện quy định về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh đã gặp một số vướng mắc, lúng túng do có sự không thống nhất trong cách hiểu về nội hàm, cách thức áp dụng của điều kiện kinh doanh. Điều này một phần là bởi những cải cách về điều kiện kinh doanh còn hết sức mới mẻ, chưa có trải nghiệm thực tế, nhưng cũng có nguyên nhân từ sự thiếu rõ ràng trong quy định về điều kiện kinh doanh, về mối quan hệ giữa điều kiện kinh doanh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Luật Đầu tư và các Luật chuyên ngành.

“Nút thắt” trong chuỗi thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng

Luật Đầu tư có quy mô và mức độ cải cách lớn, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước, lại được triển khai trong bối cảnh nhiều Luật khác điều chỉnh các lĩnh vực từ đất đai, xây dựng, quy hoạch, đấu thầu đến môi trường, thương mại, công nghệ, giáo dục… được ban hành với những cách tiếp cận khác nhau.

Vì vậy, quá trình thực hiện không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ giữa Luật Đầu tư với các Luật liên quan. Thực tế cho thấy, một số văn bản pháp luật về hoạt động đầu tư, kinh doanh chưa được hoàn thiện kịp thời để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với những cải cách của Luật Đầu tư nên đã phát sinh xung đột giữa các Luật, gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư và cả cơ quan đăng ký đầu tư.

Không những thế, các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… dù có nhiều cải cách, song đã bộc lộ hạn chế nhất định, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và DN. Đáng chú ý, thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các Luật, dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt và không có sự kế thừa, công nhận kết quả của nhau. Cộng đồng DN phản ánh, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho DN và là một trong những “nút thắt” phải tháo gỡ thì mới tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Một số quy định khác của Luật Đầu tư và một số quy định của Luật Doanh nghiệp cũng thể hiện bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn, quy định về điều kiện thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài và mối quan hệ của nhà đầu tư nước ngoài với dự án đầu tư sau khi DN được thành lập; thủ tục, yêu cầu đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ với hoạt động vận tải hàng không, xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia, viễn thông có hạ tầng mạng, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; quy định về tách công ty, chia công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và một số Luật về đầu tư, kinh doanh cũng là yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về tự do hóa đầu tư và thương mại theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết gần đây.

Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ, ngành về đề nghị xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh hướng tới tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đó, dự kiến sửa đổi 12 đạo luật với 4 nội dung chính sách là tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý; hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; đổi mới phương thức quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, trong dự kiến sửa đổi chưa thể hiện quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường đang rất nóng hiện nay. Bản dự thảo Luật vẫn được cập nhật hàng ngày, mở rộng thêm rất nhiều, có thể không dừng ở 12 luật cần sửa đổi, dự kiến bổ sung khoảng 10 luật nữa, nội dung đề xuất cũng mở rộng thêm. Về rà soát ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoan nghênh sự phối hợp hết sức tích cực, đề xuất đầy đủ của các bộ, ngành nhưng do thời điểm hiện nay chưa có quyết định cuối cùng nên đề nghị không công bố những ngành nghề, điều kiện kinh doanh nào sẽ được bãi bỏ, sửa đổi.

Đại diện Bộ Xây dựng thì băn khoăn việc sửa đổi các quy định về đấu thầu như đấu thầu quy hoạch, đấu thầu thiết kế xây dựng. Vị này phân tích, quy hoạch là do tập thể quyết định, mang ra đấu thầu chắc phải cân nhắc, còn đấu thầu thiết kế xây dựng là vấn đề năng lực không thể mang ra đấu thầu.

Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật, đại diện Bộ Công Thương khẳng định phải đảm bảo tinh thần làm sao Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện gọn nhất, điều kiện kinh doanh khả thi nhất. Liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến tách thành nội dung về điều kiện kinh doanh và nội dung về điều kiện đầu tư, đại diện Bộ Công Thương cho biết có những lĩnh vực Việt Nam cam kết mở cửa, cam kết có điều kiện, không cam kết gì. Nhất trí chủ trương thu hút đầu tư nhưng đối với lĩnh vực chưa cam kết mở cửa thì Bộ Công Thương đề nghị bổ sung những quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 118 hướng dẫn Luật Đầu tư quy định nguyên tắc rõ ràng với nhà đầu tư nước ngoài, tạo minh bạch trong thực hiện. 

Trước khi ý kiến lo ngại sửa quá nhiều đạo luật liên quan, đại diện Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm, các quy định đang chồng chéo thì cần phải sửa đổi, bổ sung, “sửa chính đáng thì 90 luật cũng không sao, nhưng cần tránh sửa manh mún, phải sửa những vấn đề lớn”. Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng thống nhất với dự kiến nội dung 4 chính sách sửa đổi mà Bộ Tư pháp nêu lên.

Dự kiến sửa đổi, bổ sung 12 Luật về đầu tư, kinh doanh

Trên cơ sở tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, cũng như đảm bảo thực hiện cam kết mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, dự thảo Luật này dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của 12 Luật hiện hành. Cụ thể gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu.

Đọc thêm