Tiếp tục xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn của ngành dầu khí

(PLVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém: Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với PVN (Ảnh: Lê Sơn)
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc với PVN (Ảnh: Lê Sơn)

Chiều 10/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động PVN. Phó Thủ tướng Thường trực còn nhấn mạnh, PVN có sứ mệnh “góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường”. Đây là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước.

Lưu ý bối cảnh những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị toàn ngành dầu khí tập trung thực hiện có hiệu quả 5 mục tiêu của Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/7/2017 về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của PVN đến năm 2020 với một số giải pháp chủ yếu.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW Trung ương 6 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại tập đoàn, tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề chính. Rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; tiếp tục tổ chức thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, cần triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Thường trực Chính phủ làm việc với PVN và Vietnam Airlines ngày 21/5/2020 vừa qua.

Ngoài ra, xây dựng các giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn của các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các dự án của tập đoàn. Trong đó có các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng đảm bảo hài hòa với phân bố các nguồn khí tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ, thu gom và cung cấp 100 % khí tự nhiên. Phối hợp cùng lĩnh vực điện để hình thành chuỗi giá trị, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả đầu tư.

Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực cùng PVN, đặc biệt là các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí mà tập đoàn đang thực hiện.

Đặc biệt, cần bám sát tình hình trên biển Đông để triển khai các dự án dầu khí khu vực truyền thống và khu vực xa bờ trên thềm lục địa Việt Nam. Tập trung chỉ đạo lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu (dự án nâng cấp mở rộng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, các dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1...). Tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém: Dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất và 3 nhà máy nhiên liệu sinh học.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN hoàn thành việc quyết toán cổ phần hóa đối với 3 đơn vị (Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn-BSR, Tổng công ty Điện lực dầu khí), kế hoạch thoái vốn tại 3 đơn vị (nếu có).

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, giai đoạn 2015 trở về trước, tỷ trọng đóng góp của tập đoàn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước chiếm 25-30%, đóng góp cho GDP trung bình từ 16-18%.

Từ năm 2015 đến nay, PVN tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong đóng góp ngân sách Nhà nước khi nộp ngân sách hằng năm chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm là 10-13%.

Đọc thêm