Tìm đường cho nông nghiệp công nghệ cao “phủ” hành lang đường Hồ Chí Minh

(PLO) - Được đánh giá là vùng có tiềm năng, thích hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), song sau bao nhiêu năm hình thành tuyến đường Hồ Chí Minh, 6 tỉnh Bắc Trung bộ, nơi có tuyến đường lịch sử chạy qua vẫn quẩn quanh với nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún…
Mô hình chăn nuôi đàn bò sữa tập trung công nghệ cao tại Nghệ An. (Ảnh minh họa)
Mô hình chăn nuôi đàn bò sữa tập trung công nghệ cao tại Nghệ An. (Ảnh minh họa)

Hiệu quả chưa tương xứng tiềm năng

Vùng Bắc Trung bộ (gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) có vị trí địa lý khá đặc thù, tạo nên lợi thế địa kinh tế, địa chính trị của vùng; là cầu nối giữa các tỉnh vùng Bắc bộ với các tỉnh phía Nam, giữa các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Cả 6 tỉnh đều có tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua (gồm 24 huyện, thị xã, với diện tích hơn 2 triệu ha), tạo ra vùng sản xuất rộng lớn, dọc theo hành lang đường Hồ Chí Minh. Đây là vùng có tiềm năng rất lớn về đất đai, thích hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp hiện đại, ứng dụng CNC để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, tuyến đường cũng mở ra những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác.

Có nhiều tiềm năng, nhưng theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, trình độ sản xuất nông nghiệp hàng hóa khu vực này chưa cao, chất lượng nông sản chưa đồng đều ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân ở một số nơi còn thấp… Tuy nhiên, vùng này đã có một số DN đầu tàu đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Mô hình phát triển cây chanh leo của CTCP Nafoods, Tập đoàn TH ở Nghệ An; mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất mía, rau, củ, quả, hoa của CTCP Mía đường Lam Sơn ở Thanh Hóa… “Việc đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo tiền đề cho việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp…”, ông Anh nói.

Từ thực tế địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tỉnh đang tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tiêu chí sẵn có từ nguồn lực tự nhiên của địa bàn. Tuy đã có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, đã hình thành và thu hút được khá đông các DN, song nhìn chung phát triển sản xuất kinh doanh dọc hành lang tuyến đường vẫn ở dạng nhỏ lẻ, manh mún. “Trừ một vài DN có đầu tư lớn về công nghệ, sản xuất ra một số sản phẩm ở quy mô hàng hóa, còn lại đều đang sản xuất thô sơ, chưa có nhiều sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường…”, ông Vinh cho hay.

Dưới góc độ DN, đại diện CTCP Nafoods Group, DN đầu tư dự án cây chanh leo ở Nghệ An chia sẻ: “Có nhiều thách thức phải đối mặt khi đầu tư vào vùng Bắc Trung bộ!”.

Trước hết là khí hậu, bởi chỉ cần một trận bão là các sản phẩm hoa quả sẽ bị thiệt hại rất lớn. Đây cũng là lý do một số cây không thể trồng được ở vùng này, ví dụ chuối...Về quỹ đất, hầu hết các DN sẽ rất khó tìm được quỹ đất rộng. “Việc liên kết vùng giữa các tỉnh, đặc biệt là liên kết vùng rất khó. Hay các vấn đề về quản lý nhà nước cũng đang yếu...”, đại diện Nafoods Group nói. 

Cần tạo sự liên kết

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp dọc hành lang đường Hồ Chí Minh, theo Bí thư Nghệ An, cần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của KH&CN, đồng thời cần có cơ chế chính sách thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các DN đầu tư vào nông nghiệp CNC. Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC cần phải xác định được các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của vùng; xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Đặc biệt, giải pháp về KH&CN, cần tập trung lựa chọn DN hỗ trợ đầu tư ứng dụng, đổi mới công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; xác định số nhiệm vụ, đề án, dự án về KH&CN cần ưu tiên triển khai.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thì cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hàng lang đường mòn Hồ Chí Minh, quan trọng nhất là tạo ra đầu mối liên hệ giữa liên kết vùng, giữa các tỉnh với nhau…

Là một trong những tỉnh đi đầu trong việc áp dụng KH&CN vào phát triển nông nghiệp CNC, bà Võ Thị Hảo – Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng chia sẻ, để thành công cần sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó xác định người dân là chủ thể, DN đóng vai trò hạt nhân, các nhà khoa học phải làm động lực, còn chính quyền là bộ phận trung gian hòa giải những khúc mắc…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh lại nhấn mạnh tiềm năng của tự nhiên, nguồn lực của từng địa phương. Cùng với đó là tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương để từ đó xác định đối tượng nông sản cần hướng đến và xây dựng quy mô sản xuất phù hợp. Cũng với đó là lựa chọn công nghệ phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất và lao động, hình thành chuỗi giá trị theo ngành hàng. “Để làm được điều đó, DN đóng vai trò rất quan trọng. Bộ NN&PTNT sẽ luôn đồng hành cùng Bộ KH&CN, các địa phương và DN nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa hành lang đường Hồ Chí Minh vùng Bắc Trung bộ”, ông Doanh nói.

Đọc thêm