Tín dụng tiêu dùng thu hẹp quy mô “tín dụng đen”

(PLVN) - Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, khi hành lang pháp lý thông thoáng, nhiều công ty tài chính tham gia vào thị trường sẽ tạo nên quy luật cạnh tranh lành mạnh. Lúc đó, người được hưởng lợi là khách hàng và rộng hơn là nền kinh tế.
TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh

Tín dụng tiêu dùng hạn chế sự phát triển của “tín dụng đen”

Thời gian vừa qua, vấn nạn “tín dụng đen” đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh với dư luận. Nhưng có một nghịch lý rằng, dù vẫn biết, bản chất của “tín dụng đen” sẽ để lại những hệ lụy có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của chính những người đi vay song hình thức này vẫn có xu hướng bành trướng về quy mô. Thưa chuyên gia, vì sao lại vậy?

- Phải khẳng định, “tín dụng đen” – một bộ phận của tín dụng phi chính thức đang đáp ứng nhu cầu có thật và ngày càng lớn tại Việt Nam, do hệ thống tín dụng chính thức chưa thể đáp ứng hết. “Tín dụng đen” vẫn còn phát triển mạnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do mục đích sử dụng vốn có thể không hợp lý, không hợp pháp nên tín dụng chính thức không thể cung cấp được.

Thứ hai, điều kiện của những người đi vay tín dụng không đủ khả năng tiếp cận hình thức tín dụng chính thức và do đó, họ buộc phải tiếp cận ở khu vực phi chính thức.

Thứ ba, do “tín dụng đen” đang dựa trên luật dân sự, tức là mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa các hộ gia đình với nhau. Họ không được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành, ví dụ như luật tín dụng hay luật về hình sự để xử lý những trường hợp vay mà không trả được hay xử lý những việc liên quan tới lãi suất và thậm chí lãi suất ở mức cắt cổ.

Do đó, có thể nói “tín dụng đen” ra đời xuất phát từ cả phía cung cũng như là nhu cầu có thật trong đời sống xã hội ở Việt Nam.

Một trong những giải pháp đang được các chuyên gia cho rằng có khả năng đẩy lùi “tín dụng đen”, đó là phát triển hình thức cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Quan điểm của ông thì sao?

- “Tín dụng đen” đáp ứng rất nhiều nhu cầu khác nhau từ hợp pháp đến nhu cầu bất hợp pháp. Trong khi đó, hiện nay, phát triển tín dụng tiêu dùng mới đang tập trung vào phân khúc nhất định, tức là cung cấp nguồn tín dụng cho tiêu dùng hợp pháp. Thông thường, tín dụng tiêu dùng gắn với các nhà phân phối thương mạị, các hệ thống bán buôn, bán lẻ. Với phương thức này, tín dụng tiêu dùng góp phần giảm bớt, thu hẹp quy mô khu vực “tín dụng đen” trong vai trò đáp ứng phần nhu cầu tiêu dùng.

Đặc biệt, tín dụng tiêu dùng được thực hiện bởi các công ty tài chính và hoạt động theo các quy định của Nhà nước, có trích lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như có những biện pháp về đánh giá tín nhiệm của khách hàng hay có một hệ thống thông tin, hệ thống thu hồi nợ chuyên nghiệp, hợp pháp. Với lợi thế này, tín dụng tiêu dùng có thể giúp hạn chế sự phát triển của “tín dụng đen”.

Như ông vừa trao đổi, cho vay tiêu dùng có nhiều ưu điểm trong việc giảm bớt, thu hẹp quy mô khu vực “tín dụng đen”. Nhưng hiện nay, ở nông thôn, nơi mà “tín dụng đen” đang bành trướng, dường như người dân lại có vẻ e ngại khi tiếp cận hình thức vay mới này?

- Ở nông thôn có một đặc thù, đó là thói quen, phong cách tiêu dùng theo kiểu tiêu dùng trước, trả sau hay nói cách khác là đi vay để tiêu vẫn còn thấp. Trong khi đó, đặc điểm này lại phát triển mạnh ở đô thị. Do ở đô thị, khả năng tiếp cận hệ thống tài chính tốt hơn ở nông thôn, khả năng tiếp cận thông tin tốt, đặc biệt các hệ thống thương mại ở các khu vực đô thị thì cũng gắn với cho vay tiêu dùng nhiều và chuẩn xác hơn.

Trong khi đó, khu vực nông thôn chủ yếu bị chi phối bởi hệ thống thương mại truyền thống. Ở đó, họ lại áp dụng hình thức hụi, họ, bươu, phường chứ ít tiếp cận tín dụng tiêu dùng được cung cấp bởi các định chế tài chính hay là các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính. Nguyên nhân là do cở sở hạ tầng đặc biệt cơ sở hạ tầng tài chính, thương mại vẫn chưa phủ rộng về nông thôn. Ngoài ra, còn xuất phát từ tập tục thói quen chi tiêu cũng như thông tin liên quan đến tài chính tiêu dùng ở khu vực nông thôn thấp hơn so với khu vực đô thị.

Cho vay tiêu dùng của người Việt Nam những năm gần đây thông thường tăng từ 20 - 30%/1 năm
Cho vay tiêu dùng của người Việt Nam những năm gần đây thông thường tăng từ 20 - 30%/1 năm

Cần hạn mức tín dụng đủ rộng cho các công ty tài chính phát triển

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của hình thức cho vay tiêu dùng trong thời gian tới?

- Cho vay tiêu dùng của người Việt Nam những năm gần đây thông thường tăng từ 20 - 30%/1 năm. Có thể nói xuất phát từ nhu cầu, từ thói quen tiêu dùng hay từ khả năng thu nhập thì cầu của vay tiêu dùng ở nước ta còn rất lớn. Đặt biệt, trong xu thế hội nhập và phát triển thì người tiêu dùng Việt Nam cũng thu hẹp khoảng cách về thói quen, cách chi tiêu.

Thay vì như trước đây, cứ phải có tiền mới chi tiêu hay chỉ chi tiêu một phần tiền đó thì hiện nay, phong cách tiêu dùng của họ chuyển sang tiêu trước trả sau dẫn đến nguồn cầu sẽ tăng cao hơn nữa.

Ở phía cung thì các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng cũng đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển thị trường cho vay tiêu dùng. Việc gặp nhau giữa cung và cầu sẽ là yếu tố giúp cho tín dụng tiêu dùng phát triển quy mô ngày càng lớn. Chính vì quy mô phát triển đó dẫn đến tín dụng tiêu dùng thu hẹp khoảng cách với lãi suất cho vay kinh doanh trong hệ thống tài chính hiện nay.

Dù được đánh giá là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng song có ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay đang là điểm vướng khiến thị trường cho vay tiêu dùng còn chưa phát huy tiềm năng vốn có. Thưa ông, đây có phải là gốc rễ của vấn đề khiến thị trường này vẫn còn bỏ ngỏ, chưa phát triển hết tốc lực?

- Hiện nay, cho vay tiêu dùng chủ yếu là lãi suất thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay. Đối với tín dụng tiêu dùng như hiện nay nên duy trì ở mức lãi suất thỏa thuận nhưng quan trọng là làm sao chống việc bất đối xứng thông tin giữa người đi vay và người cho vay.

Ngoài ra, những người đi vay họ cần phải được trang bị những kiến thức, những thông tin về cho vay tiêu dùng. Trước khi hạ bút ký vào mỗi 1 hợp đồng vay, họ cần phải xác định rất rõ nghĩa vụ trả nợ cũng như khả năng tài chính của họ.

Trong thời gian tới, với sự phát triển thị trường tài chính, cho vay tiêu dùng nếu tăng cường cạnh tranh, bổ sung các đơn vị về nguồn cung thì chắc chắn lãi suất đó sẽ có xu hướng giảm bớt, tạo lợi ích cho người dùng.

Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia vào việc cam kết quốc tế thì các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng nước ngoài ngày càng xâm nhập mạnh vào Việt Nam. Các định chế tài chính này sẽ hướng vào khu vực tín dụng tiêu dùng, do đó có thể nói cạnh tranh tín dụng tiêu dùng trong thời gian sắp tới sẽ mạnh hơn. Và để thị trường này phát triển bền vững, cần tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng nên nghiên cứu để có một hạn mức tín dụng đủ rộng cho các công ty tài chính phát triển. Khi cơ hội rộng mở sẽ có thêm nhiều công ty tài chính tham gia vào thị trường, tạo nên quy luật cạnh tranh lành mạnh. Lúc đó, người được hưởng lợi là khách hàng và nền kinh tế.

Cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Đọc thêm