Tình trạng “khủng hoảng thừa” nông sản: Nên luật hóa trách nhiệm trong dự báo thị trường

(PLO) - Lần đầu trình ra Quốc hội, dự án Luật Trồng trọt nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu (ĐB). Đặc biệt, nhiều ý kiến đề cập đến tình trạng “khủng hoảng thừa” nông sản và đề xuất luật hóa trách nhiệm thông tin, dự báo thị trường, khuyến cáo người nông dân sản xuất để tránh lặp lại “bài ca” được mùa mất giá – được giá mất mùa.
Theo các ĐBQH, ngăn tình trạng “được mùa mất giá” là mục tiêu quan trọng của dự án Luật Trồng trọt
Theo các ĐBQH, ngăn tình trạng “được mùa mất giá” là mục tiêu quan trọng của dự án Luật Trồng trọt

Yêu cầu bức thiết

Cho ý kiến về dự án Luật, ĐB Triệu Thanh Dung (Đoàn Cao Bằng) nêu thực trạng về sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện nay cùng với quá trình hội nhập và phát triển thị trường nông sản quốc tế đã tác động rõ rệt đến hoạt động sản xuất, trồng trọt của Việt Nam. Trong bối cảnh sản xuất, trồng trọt của chúng ta còn nhiều khâu yếu, ĐB Dung cho rằng xây dựng Luật Trồng trọt để luật hóa các quy định quản lý, điều chỉnh các hành vi của mọi đối tượng tham gia trong chuỗi sản xuất, tạo nên một nền sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng là “rất bức thiết”.

ĐB Phạm Văn Tuân (Đoàn Thái Bình) cũng tỏ ý đồng tình cao về sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt để tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn trong quản lý, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất theo chuỗi, từ khâu giống cho đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ và tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, theo ĐB, việc ban hành luật cũng sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và tạo lợi thế cạnh tranh phù hợp với các điều ước quốc tế.

Cho rằng dự án Luật này không phải là “chìa khóa vạn năng” tháo gỡ toàn diện các vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp hiện nay nhưng ĐB Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) đề nghị Luật khi ban hành phải tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực trồng trọt, giúp người nông dân có nhiều thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, phải đồng hành cùng người nông dân đối mặt trước những áp lực của thị trường nông sản ngày càng khó tính, tiêu chuẩn cao, cạnh tranh nhiều.

Cần chính sách cân đối được cung - cầu 

ĐB Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hoá) đồng tình với đánh giá được nêu trong báo cáo tổng kết các pháp lệnh, nghị định về lĩnh vực trồng trọt trong hồ sơ dự án Luật của Chính phủ trình Quốc hội, theo đó ghi nhận việc lập và thực hiện quy hoạch trồng trọt còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả dẫn đến chưa cân đối được cung - cầu, nông dân bị ép giá thua lỗ; tính cơ giới hóa nông nghiệp còn chậm dẫn đến giá thành cao, sức cạnh tranh thấp... Song, theo ĐB, trong Điều 6 quy định về chính sách của Nhà nước về trồng trọt trong dự thảo Luật lại không có một câu từ nào quy định về chính sách để cân đối được cung - cầu, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp nhằm khắc phục 2 tồn tại lớn đã chỉ ra. “Điều chưa được đưa vào dự thảo Luật lại gắn liền với mồ hôi nước mắt, cơm áo gạo tiền của người nông dân”, ĐB nói. 

Với quan điểm như vậy, ĐB Diến kiến nghị dự thảo Luật Trồng trọt phải bổ sung đậm hơn vào Điều 6 về chính sách phát triển thị trường và thiết kế một điều trong Chương VI quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của UBND cấp tỉnh trong việc dự báo thông tin, cảnh báo, định hướng về thị trường sản phẩm trồng trọt nhằm điều hành cân đối cung - cầu sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt; đảm bảo không để phát triển tự phát và sản phẩm trồng trọt phải được cung ứng đúng giá trị có phần tích lũy cho nông dân. “Phải khắc phục được tình trạng nông dân bị ép giá, thua lỗ”, ĐB nói. 

Tuy nhiên, theo ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn Bình Thuận), tình trạng sản xuất trồng trọt bấp bênh, được mùa mất giá, được giá mất mùa thường xuyên xảy ra là do nông dân sản xuất theo phong trào chứ không theo nhu cầu thị trường, không tính tới yếu tố biến đổi khí hậu, từ đó đã làm mất cân đối cung - cầu, nông sản khó tiêu thụ gây thiệt hại cho nông dân. “Trách nhiệm quản lý nhà nước như thế nào trong việc định hướng sản xuất, thông tin thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hướng dẫn ứng phó biến đổi khí hậu… chưa được quy định trong luật”, ĐB nêu vấn đề và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu nội dung này. Đồng quan điểm, ĐB Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) cũng đề nghị cần luật hóa trách nhiệm thông tin thị trường, dự báo thị trường, khuyến cáo người nông dân sản xuất; luật hóa chính sách khuyến nông, bảo vệ thực vật, chính sách thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị. 

Bên cạnh đó, ĐB Tâm cũng cho rằng đối tượng tác động của Luật lần này là hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 90% là hộ nông nghiệp. Do đó, Ban soạn thảo cần chặt chẽ trong thiết kế nội dung, đặc biệt khi thiết kế những điều Luật quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các hộ nông dân trong quá trình sản xuất để bảo đảm tính khả thi và hiệu lực của pháp luật, không để xảy ra tình trạng hành chính hóa, thủ tục hóa đặt nặng đối với người sản xuất. Ngoài ra, trong chiến lược phát triển trồng trọt, ĐB Tâm đề nghị cần xác định vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sản phẩm làm ra của ngành trồng trọt là tinh thần cốt lõi, xuyên suốt trong Luật, kết nối chặt chẽ với các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm.

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trồng trọt chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong nền nông nghiệp của Việt Nam, hiện thu hút tới khoảng 62% lao động. GDP trong nông nghiệp, ngành trồng trọt đóng góp tới 52,5%, riêng giá trị xuất khẩu nông sản hiện nay trên 50%. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, trồng trọt có 7 mặt hàng. Năm 2017 tổng giá trị xuất khẩu của chúng ta là 36,52 tỷ USD thì riêng các mặt hàng trồng trọt chiếm 19 tỷ. Trong năm nay, con số đó được dự báo sẽ tăng lên khoảng trên 20 tỷ USD.

Đọc thêm