Tọa đàm mùa xuân Đà Nẵng lần 2: Nhiều trăn trở để thu hút đầu tư

(PLVN) - Từ thành công sự kiện Tọa đàm mùa xuân khởi động cho Năm xúc tiến đầu tư tại Đà Nẵng, ngày 1/3, Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm mùa xuân lần 2 nhằm cụ thể hóa cho mục tiêu Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019. Tuy nhiên, để mở cánh cửa đầu tư, Đà Nẵng vẫn còn nhiều trăn trở được cả doanh nghiệp (DN) lẫn chính quyền chỉ ra…
Đông đảo đại biểu tham dự sự kiện Tọa đàm mùa xuân lần 2 của Đà Nẵng.
Đông đảo đại biểu tham dự sự kiện Tọa đàm mùa xuân lần 2 của Đà Nẵng.

Nhìn thấy được hạn chế  

Trong Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018, Đà Nẵng đã giảm thời gian cấp phép kinh doanh từ 10 ngày xuống còn từ 3 đến 6 ngày; giảm thời gian thực hiện thủ tục xác nhận nhu cầu sử dụng chuyên gia nước ngoài từ 13 ngày xuống còn 10 ngày; giảm thời gian thực hiện thủ tục xác nhận hoàn thành công trình xây dựng từ 10 ngày xuống còn 8 ngày…

Tuy vậy, Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018 TP cũng gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như một số dự án động lực gặp khó về nguồn vốn, việc hoàn thành các thủ tục phức tạp, tiến độ triển khai chậm (Cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp (KCN) mới, Làng Đại học Đà Nẵng, di dời ga đường sắt, công tác giải tỏa đền bù một số dự án…).

Ngoài ra còn khó khăn về thủ tục như các văn bản, quy định, hướng dẫn từ Trung ương không thống nhất, chậm triển khai nên thành phố gặp khó khăn khi xây dựng các chính sách, quy trình cũng như đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện.

Chưa kể, danh mục quỹ đất đề xuất đưa vào kế hoạch đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP theo quy định hiện hành phải thực hiện qua nhiều công đoạn khác nhau (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án khai thác, xác định giá)...

Một khó khăn khác theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh là diện tích đất thương phẩm của các KCN hiện hữu không còn nhiều, lại phân tán; cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ nhất là giao thông nội bộ; khoảng cách ly với khu dân cư chưa phù hợp (có đến 5/6 KCN không có tường rào phân cách với khu dân cư lân cận).

Một nguyên nhân hết sức quan trọng khác khiến việc thu hút đầu tư gặp khó, là nguồn nhân lực của TP hiện thiếu cả về lượng và chất, lại phải cạnh tranh gay gắt với các tỉnh lân cận khi mà thu nhập của người lao động ở Đà Nẵng không cao hơn…

Đi cùng những hạn chế đã nhìn thấy, những ngày đầu năm mới 2019, thành phố đón tin vui khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Nghị quyết 43 sẽ mở ra cho Đà Nẵng những thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển, tạo đà để thành phố vươn lên một tầm cao mới, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. 

Trong bối cảnh đã có, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, Đà Nẵng đã chọn chủ đề năm 2019: “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thành phố ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thương mại, du lịch.

Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư của thành phố sẽ chú trọng trách nhiệm đối với cộng đồng, lựa chọn những dự án đầu tư hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố theo hướng bền vững.

Chính vì thế, Chương trình Tọa đàm mùa xuân lần 2 diễn ra, theo ông, được xem là động thái tích cực trong việc lắng nghe các đề xuất và hiến kế của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia… nhằm cụ thể hóa những cho mục tiêu đề ra cho năm 2019 nêu trên.

Lời giải đẩy mạnh liên kết 

Với vai trò Giám đốc điều hành Tập đoàn Quy hoạch Surbana Jurong (Singapore), đơn vị được Đà Nẵng lựa chọn thực hiện Đề án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Philip Tan đề cập: Một trong những yêu cầu hiện nay của Đà Nẵng là phải thu hút dân cư, xây dựng nhà ở, cung cấp cơ hội việc làm để phát triển và cạnh tranh; từ đó xuất hiện các nhu cầu về cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa.

Ông Philip Tan nhấn mạnh, việc quản lý đô thị hóa phải có quy hoạch đô thị và kế hoạch kiểm soát phát triển tốt để thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho công việc, cuộc sống, vui chơi và học tập. Khi hình thành các đô thị, các cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp.

Do đó, việc lập quy hoạch và cấu trúc của những đô thị này cần phải được cân nhắc để có thể cải thiện sự hội nhập, tính kết nối, hiệu quả và giá trị đất. Để phù hợp với tầm nhìn của TP Đà Nẵng năm 2030-2045, Surbana Jurong xác định, ưu tiên số 1 là phát triển quy hoạch tổng thể của Đà Nẵng nhằm tạo ra các vùng đô thị thông minh và bền vững, có khả năng chống chịu, thích ứng và hỗ trợ cho các mục tiêu và thời gian của các bên liên quan. Trong đó, 3 thành tố quan trọng gồm: đổi mới sáng tạo, công nghệ và tính bền vững.

Còn Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn phát triển liên kết vùng duyên hải miền Trung cho rằng: Trong giai đoạn mới, Đà Nẵng nên thống nhất và xuyên suốt quan điểm phát triển vùng mà trước hết phải tạo nên “vùng đô thị Đà Nẵng” như các vùng đô thị Hà Nội, vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, tập trung đẩy mạnh liên kết với Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế; Trong quy hoạch phát triển thời gian tới, Đà Nẵng nên đặt mình nằm trong xu thế phát triển chuỗi đô thị ven biển kéo dài từ Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đến Chu Lai (Quảng Nam), thậm chí kéo dài vào Quảng Ngãi.

Về kinh tế, Đà Nẵng nên tập trung đưa Khu Công nghệ cao trở thành khu trung tâm sáng tạo khởi nghiệp của miền Trung; đi đầu trong việc trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, đi đầu trong việc hình thành thị trường lao động cho cả khu vực...

Tại Tọa đàm mùa Xuân 2019, Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án, với tổng số vốn hơn 489 triệu USD. TP cũng trao thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư 13 dự án, với tổng số vốn trên 3.500 triệu USD, tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao (bao gồm dịch vụ du lịch, dịch vụ y tế), nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng công nghiệp – công nghệ thông tin với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn như Sungroup, Vinamilk, VNPT, Viettel…

Đọc thêm