Tôn vinh pháp luật nhìn từ một đạo luật giải phóng sức dân

(PLO) - Luật Doanh nghiệp (Luật DN) khi được ban hành vào năm 1999 đã tạo nên cuộc “bùng nổ” sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước. Từ đây, có thể nói giới doanh nhân thấm thía hơn ai hết về sức mạnh vô giá của những điều luật có tác dụng đặt nền tảng cho sự phát triển. Nhân dịp Nhà nước long trọng công bố Ngày Pháp luật 9/11, cùng nhìn lại bước đột phá ngoạn mục mà pháp luật đã mang đến cho nền kinh tế. 
Tôn vinh pháp luật nhìn từ một đạo luật giải phóng sức dân
Từ “làm điều luật cho phép” đến “làm điều luật không cấm”
Thời điểm năm 1999 trở về trước, giấy phép kinh doanh vẫn còn là “hòn đá tảng” đối với quyền tự do kinh doanh của người dân. Vào thời điểm đó, chính giấy phép các loại dưới nhiều hình thức khác nhau  là công cụ thực hiện phương thức quản lý theo phương châm “DN chỉ được làm những gì mà cơ quan nhà nước cho phép”.  Luật DN năm 1999, và sau này là Luật DN năm 2005 (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2006) đã được ví như một “đạo luật giải phóng sức dân”. “Mấu chốt” được giới doanh nhân ghi nhớ đó là cuộc cách mạng về tư duy, chuyển hướng sang phương châm “công dân được quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. 
Từ phương thức quản lý cũ theo kiểu “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó”, chúng ta từng bước chuyển sang “năng lực quản lý phải được xây dựng, tăng cường đủ mức thúc đẩy và quản lý được quá trình phát triển”. Phương thức quản lý “tiền kiểm” cũng dần được chuyển sang phương thức “hậu kiểm”. 
Sau khi Luật DN ra đời, từ năm 2000-2005 đã có 160.752 DN đăng ký kinh doanh, nhiều gấp 3,3 lần so với tổng số DN đăng ký thành lập giai đoạn 1991-1999, tạo thêm 2 triệu việc làm mới. Còn tới nay, DN vừa và nhỏ đã tạo ra 40% cơ hội cho mọi tầng lớp dân cư tham gia đầu tư, huy động các khoản tiền đang phân tán để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Khai tử giấy phép “sáu không”
Nhờ Luật DN, hàng trăm giấy phép với đặc trưng “sáu không” đã bị khai tử, đó là  những giấy phép không minh bạch, không nhất quán, không đồng bộ, không ổn định, không khả thi và không tiên liệu được. 
Đạo luật này đã  góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao đáng kể tính nhất quán, thống nhất và minh bạch, bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật kinh doanh ở nước ta…
Tinh thần ấy được tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Đến nay, nhiều văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh của DN được ban hành, tập trung vào ba nhóm văn bản có tác động lớn đến hoạt động của DN, gồm: Việc thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật DN và các đạo luật mới liên quan đến kinh doanh. Với 3 giai đoạn cải cách thủ tục hành chính, tính đến năm 2010, kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30 có tới 5.500 mẫu biểu được rà soát, 480 thủ tục hành chính được kiến nghị hủy bỏ; 4.146 thủ tục hành chính được kiến nghị sửa đổi, bổ sung... 
Trong Kế hoạch phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ, sẽ thành lập mới 350.000 DN mới; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; đầu tư chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 40% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo thêm 3,5 triệu đến 4 triệu việc làm mới.

Đọc thêm