Tổng cục Hải quan công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2017

(PLO) - Tổng cục Hải quan vừa công bố 10 sự kiện nổi bật của Ngành năm 2017 với những điểm mốc đáng chú ý. 
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hàng không tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố (gọi tắt là Đề án Giám sát)

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS trên phạm vi toàn quốc đã góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy vậy, thực tế cho thấy, để hàng hóa đưa vào hoặc đưa ra khu vực giám sát hải quan, doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn phải gặp cơ quan hải quan để được xác nhận đủ điều kiện qua khu vực giám sát (KVGS) thông qua chứng từ giấy làm cơ sở để doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng cho phép đưa hàng qua KVGS, từ đó làm tăng thời gian giải phóng hàng của doanh nghiệp. 

Để cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã giao Cục Hải quan thành phố Hải Phòng chủ trì, các đơn vị nghiệp vụ (Cục CNTT&TK Hải quan, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Quản lý rủi ro, Vụ Pháp chế) phối hợp xây dựng Đề án Giám sát với mục tiêu làm đơn giản, hài hòa, minh bạch thủ tục hải quan và thủ tục giao, nhận hàng tại khu vực cảng, kho, bãi giữa các bên liên quan, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi theo đúng tinh thần của Luật Hải quan. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và các đại biểu làm thủ tục ấn nút vận hành chính thức Hệ thống.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và các đại biểu làm thủ tục ấn nút vận hành chính thức Hệ thống. 

Ngày 21/6/2017, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch 4098/KH-TCHQ để chỉ đạo các Cục HQ tỉnh, thành phố chuẩn bị triển khai Đề án (riêng Cục HQ TP Hải Phòng đã triển khai thí điểm từ ngày 15/8/2017 và đã triển khai chính thức từ ngày 11/12/2017). Trong đó có yêu cầu các đơn vị thành lập Ban triển khai chuyên trách; rà soát, xác định đối tượng, hiện trạng hạ tầng CNTT của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi (Kho CFS...) dự kiến kết nối để đảm bảo thực hiện khoa học; nghiên cứu, nắm vững các quy định, cơ sở pháp lý để triển khai; học tập kinh nghiệm tại các Chi cục đã triển khai; đào tạo, hướng dẫn công chức hải quan và doanh nghiệp sử dụng các chức năng trên Hệ thống, phối hợp với doanh nghiệp để chủ động thực hành sử dụng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Giám sát, mặc dù còn nhiều khó khăn (Việc sửa đổi quy định pháp lý (Thông tư 38) để đáp ứng yêu cầu quản lý và phù hợp với thực tiễn; Đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin; Các doanh nghiệp cảng, kho, bãi phải nâng cấp Hệ thống, phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị ban đầu…) song với ý chí quyết tâm của lãnh đạo các cấp và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công chức Hải quan, nhân viên của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, đối với người khai hải quan: Giảm thời gian, chi phí đi lại; Đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi: Nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi do việc giảm khối lượng nhân công, giảm chi phí do giảm thiểu hồ sơ giấy trao đổi giữa các bên và giảm thời gian lưu giữ hàng hóa trong cảng, kho, bãi; Đối với cơ quan Hải quan: Giúp kịp thời nắm bắt thời gian, số lượng đối với lô hàng đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng, kho, bãi... nắm bắt thông tin, vị trí lô hàng quá hạn làm thủ tục hải quan để đưa ra các quyết định xử lý phù hợp.

Thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai mở rộng tại các Cục HQ tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Cần Thơ.

Tổng cục Hải quan ghi nhận “Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cán mốc 400 tỷ USD trong giữa tháng 12/2017”

Chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bước vào đầu thập niên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Với việc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến hết ngày 01/12/2007, Việt Nam đã đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 100 tỷ USD. Mặc dù chịu tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng đến cuối năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD và đến gần 4 năm sau thì đạt mốc 300 tỷ USD.

Năm 2017, trong bối cảnh nền kinh tế đạt kết quả khả quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm cũng đạt được những cột mốc đáng nhớ. Cụ thể:

- Từ đầu năm đến ngày 03/7/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mốc 200 tỷ USD.

- Đến ngày 25/9/2017 , tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt mốc 300 tỷ USD.

- Đến giữa tháng 12/2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức kỷ lục 400 tỷ USD.

Biểu đồ: Thời điểm ghi nhận các mốc kỷ lục xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

Xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam năm 2017 trở thành điểm sáng trong bối cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, trong đó: Tốc độ tăng vượt trội của xuất khẩu (21%), cao nhất kể từ năm 2012 đến nay; thặng dư thương mại đạt mốc kỷ lục (khoảng 3 tỷ USD); xuất nhập khẩu của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đều tăng cao lần lượt là hơn 23% và 19%.

Nếu lấy tốc độ tăng bình quân giai đoạn tiếp theo bằng với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2017 (khoảng 16% đối với xuất khẩu và 14% đối với nhập khẩu) thì dự kiến trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam sẽ đạt 500 tỷ USD. 

Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách, ngay từ đầu năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai nhiệm vụ thu NSNN, giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố; đồng thời triển khai các giải pháp quản lý thu NSNN, chống buôn lậu, gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan; đặc biệt chú trọng công tác chống gian lận qua trị giá, thuế suất, xuất xứ..... Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; tích cực phối hợp với các Bộ, ngành triển khai cơ chế hải quan một cửa quốc gia; triển khai thí điểum việc nộp thuế 24/7 giúp doanh nghiệp có khả năng nộp thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. 

Kết quả là, từ ngày 01/01 đến 31/12/2017, số thu NSNN đạt 297.082 tỷ đồng, bằng 104,24% dự toán, bằng 102,44% chỉ tiêu phấn đấu do Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 100,71% chỉ tiêu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao (295.000 tỷ đồng), tăng 9,47% so với cùng kỳ 2016.

Triển khai Đề án nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7

Nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế và rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng xuống bằng mức trung bình của các nước ASEAN-4 theo tinh thần Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp với Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc thanh toán thuế điện tử. Theo đó, việc nộp tiền tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 36 ngân hàng thương mại phối hợp thu với TCHQ đã phát huy hiệu quả, với tỷ lệ thanh toán, nộp tiền điện tử qua ngân hàng phối hợp thu, Kho bạc Nhà nước năm 2016 đạt 90% tổng thu NSNN của ngành Hải quan.

Mặc dù vậy, việc nộp thuế qua ngân hàng phối hợp thu vẫn chưa hỗ trợ cho người nộp thuế chuyển tiền ngoài giờ giao dịch (cut off time: COT), chưa thuận tiện khi giao dịch nộp tiền, chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của nộp thuế điện tử là mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Vì vậy, để khắc phục các hạn chế nêu trên, ngày 21/06/2017 Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 2082/QĐ-TCHQ phê duyệt  Đề án Nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7 và chính thức đưa vào triển khai, thiết kế trên hệ thống. Việc triển khai Đề án Nộp thuế và thông quan 24/7 là bước đột phá trong công tác thu nộp thuế và thu khác, tạo thuận lợi và hỗ trợ người nộp thuế được nộp tiền mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp xuống bằng mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4 theo yêu cầu của Chính phủ.

Mặc dù thời gian triển khai Đề án gấp rút, khối lượng công việc đồ sộ nhưng nhờ vào những nỗ lực của toàn ngành (đặc biệt là các cán bộ công tác tại Cục Thuế XNK và Cục CNTT&TKHQ) và sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngân hàng thương mại, đến nay việc triển khai Đề án nộp thuế và thông quan 24/7 đã đạt được những kết quả tích cực nhất định, số lượng giao dịch nộp tiền và số tiền thu được ngày một tăng cao, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao với số lượng ngân hàng tham gia triển khai thí điểm là 11 ngân hàng thương mại. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục mở rộng số lượng ngân hàng tham gia Đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, để người nộp thuế có thể nộp tiền mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện có kết nối internet, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng theo yêu cầu của Chính phủ.

Khai trương Cổng thông tin thương mại Việt Nam (VTIP)

Ngày 12/7/2017, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã bấm nút chính thức vận hành Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam (VTIP).

Sáng ngày 12/7/2017, Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam do Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính xây dựng với sự hỗ trợ từ Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chính thức vận hành
Sáng ngày 12/7/2017, Cổng Thông tin Thương mại Việt Nam do Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính xây dựng với sự hỗ trợ từ Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chính thức vận hành 

VTIP không những sẽ đáp ứng một cam kết quan trọng trong Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại với WTO mà còn đóng vai trò là một công cụ hữu ích để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm hoặc tham gia các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh. Với hơn 2.000 trang nội dung, bao gồm các văn bản pháp quy, biện pháp, thủ tục và quy trình biểu mẫu liên quan tới xuất khẩu và nhập khẩu, VTIP đặt mục tiêu giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch. Theo Báo cáo khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu 2017 (Doing Bussiness 2017) được Ngân hàng Thế giới công bố gần đây, Việt Nam đã tăng 9 bậc, từ vị trí 91 lên vị trí 82 trong tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá. Riêng đối với chỉ số thương mại xuyên biên giới, liên quan tới các hoạt động xuất khẩu – nhập khẩu, Việt Nam đã tăng 15 bậc, từ vị trí 108 lên vị trí 93. VTIP được kỳ vọng giúp duy trì đà cải thiện này, thúc đẩy các nỗ lực làm tăng tính minh bạch trong chính sách và quy định pháp lý, giúp Việt Nam theo kịp các xu thế toàn cầu và số hóa các thủ tục xuất khẩu – nhập khẩu. So với các nước có môi trường kinh doanh thuận lợi trong Asean như Singapore, Thái Lan và Malaixia, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước vẫn còn khá lớn. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu tới năm 2020 đạt tối thiểu bằng trung bình các nước ASEAN-4 về các chỉ tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. Việc khai trương VTIP thể hiện vai trò và những nỗ lực đơn giản hóa, hiện đại hóa các thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan.

Hải quan Việt Nam chủ trì tổ chức thành công Cuộc họp nhóm Tiểu ban thủ tục Hải quan SCCP lần một bên lề Hội nghị Quan chức cấp cao lần thứ nhất (SOM1) và SCCP lần thứ hai bên lề SOM3 và một số các hoạt động liên quan chuỗi hoạt động của APEC 2017 diễn ra tại Nha Trang và Thành phố Hồ Chí Minh

Năm APEC 2017, với chủ đề “tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã định hướng cho các Ủy ban, Nhóm, Tiểu ban chủ động xây dựng chương trình nghị sự và nội dung tập trung làm nổi bật các ưu tiên và mục tiêu Năm APEC 2017 về kết nối khu vực, hội nhập kinh tế và phát triển thương mại trong kỷ nguyên số. Tiểu ban Thủ tục Hải quan (SCCP) là một trong những Tiểu ban quan trọng thuộc Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) được kỳ vọng đưa ra nhiều sáng kiến góp phần đạt được Mục tiêu Bogor 2020 về tự do hóa thương mại và đầu tư.

Cuộc họp SCCP APEC 2017 đã được tổ chức thành công với các sự kiện chính: Cuộc họp SCCP1 diễn ra bên lề Hội nghị các Quan chức cấp cao lần 1 (SOM1) tại Nha Trang từ ngày 21/2-1/3/2017 và Cuộc họp SCCP2 và 03 sự kiện khác của Hải quan diễn ra bên lề SOM3 tại thành phố Hồ Chí Minh từ 16-30/8/2017.

SCCP APEC 2017 với hai nội dung ưu tiên lớn tập trung vào các vấn đề (i) tạo thuận lợi thương mại và (ii) đảm bảo an ninh thương mại trong chuỗi cung ứng khu vực đã đi đúng hướng với các ưu tiên về thúc đẩy hợp tác thương mại APEC của Ủy ban Thương mại và Đầu Tư, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các ưu tiên và chủ đề của APEC quốc gia 2017 đồng thời hướng tới đạt được mục tiêu phát triển thương mại trong APEC đã được nêu rõ trong Mục tiêu Bogo 2020 về tự do hóa thương mại và đầu tư.

Quan trọng hơn, SCCP APEC 2017, với sự chuẩn bị đầy đủ và toàn diện về nội dung, sự chu toàn trong công tác lễ tân hậu cần, đã được các đại biểu SCCP khen ngợi và đánh giá cao vì đã đề ra được chương trình làm việc và kế hoạch hành động tập thể của SCCP với các hoạt động cụ thể, thực tế, có tính khả thi cao, đẩy mạnhsự hợp tác chặt chẽ, ngày càng vững chắc giữa cơ quan hải quantrong khu vựcgóp phần nâng cao vai trò của cơ quan hải quan trêndiễn đàn APEC và tăng cường tính kết nối giữa các lực lượng bảo vệ và thúc đẩy thương mại trong khu vực. Chính những kết quả đó đã góp phần vào thành công chung tốt đẹp của Năm APEC 2017.

Cổng thông tin tờ khai điện tử hải quan chính thức hoạt động vào tháng 3/2017, cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các cơ quan liên quan để giải quyết các thủ tục hành chính.

Thực hiện Quyết định số 33/2016/QĐ-TTg ngày 19/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử từ tháng 3/2017. 

Quyết định 33/2016/QĐ-TTg được ban hành nhằm đảm bảo giá trị pháp lý cho việc cung cấp và sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử; đồng thời cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan liên quan quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP, đó là không được yêu cầu người khai hải quan cung cấp tờ khai hải quan giấy. 

Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử được xây dựng với mục tiêu cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. 

Các cơ quan liên quan bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng và các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công Thương ủy quyền.

Ngoài việc kết nối hệ thống thông tin với Cổng thông tin tờ khai hải quan điện tử, các cơ quan liên quan có thể tra cứu thông tin bằng cách sử dụng tài khoản truy cập vào địa chỉ http://tkhqdt.customs.gov.vn hoặc nhắn tin vào số điện thoại 0869600633.

Việc sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử góp phần tích cực thực hiện các nội dung "giảm giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu" và "kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên ngành và với cơ quan hải quan" như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP. Đồng thời góp phần triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Tính đến hết 31/12/2017, Cổng TTTKHQĐT đã có 1,16 nghìn tài khoản đăng ký và có gần 90 nghìn lượt tra cứu thông tin tờ khai.

Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc vi phạm

Với chủ trương đúng đắn của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cùng với việc triển khai các giải pháp đấu tranh đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả của các đơn vị trong Ngành, trong thời gian qua, toàn Ngành đã lập được nhiều chiến công, thành tích trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

Năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến: đường bộ, đường biển, đường hàng không. Tổng cục Hải quan đã triển khai các giải pháp đấu tranh đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, toàn Ngành đã lập được nhiều chiến công, thành tích trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

Tính đến ngày 15/12/2017, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý: 15.184 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (giảm 1,97% so với cùng kỳ năm 2016); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 789 tỷ 579 triệu đồng (tăng 89,58% so với cùng kỳ năm 2016). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 334 tỷ 800 triệu đồng (tăng 95% so với cùng kỳ năm 2016). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ. Chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 68 vụ. 

Một số vụ việc điển hình trong năm qua:

1. Ngày 06/9/2017, Chi cục Hải quan cảng Sài gòn khu vực 1 chủ trì phối hợp cùng các bên gồm Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hồ Chí Minh (PC46), Trạm biên phòng cảng Nhà Rồng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đại diện Công ty Empire-Group tiến hành khám xét 02 container phát hiện 13 thùng phuy chứa mẫu vật nghi là ngà voi được cất dấu tinh vi trộn lẫn với mùn cưa, lớp trên được phủ sáp và nhựa đường, tổng cộng: 449 khúc mẫu vật có dính nhựa đường, mùn cưa, sáp nghi ngà voi, trọng lượng 1.346 kg và 01 bao chứa 130 cái vòng đeo tay nghi làm bằng ngà voi, trọng lượng 10 kg. Sau khi trưng cầu giám định tại hiện trường toàn bộ các mẫu vật nghi vấn là ngà voi tại Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Vụ việc hiện đang được lập hồ sơ khởi tố.

2. Ngày 20/03/2017, Đội kiểm soát hải quan – Cục HQ Tp Hải Phòng đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hải Phòng phá thành công chuyên án thu giữ: 351 thùng lá khô (nghi là lá “Khát”) trọng lượng khoảng 2,8 tấn. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

3. Ngày 13/03/2017, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến tỉnh Quảng Ninh, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện 01 phương tiện không có chủ sở hữu có hàng hóa cất giấu trong vách ngăn tự tạo sát ca bin của xe tải thùng kín nhãn hiệu THACO BKS 15C - 120.75. Hàng hóa gồm: 3.500 cây = 35.000 bao thuốc lá hiệu “BLEND NO.555 GOLD”, trị giá ước tính 1,05 tỷ  đồng. 

Ngày 15/11/2017, Tổng cục Hải quan triển khai Cơ chế một cửa đường hàng không tại tất cả các cảng hàng không quốc tế trên cả nước theo Quyết định 43/2017/QĐ-TTg của Chính phủ

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở pháp lý, hệ thống công nghệ thông tin, đào tạo, tuyên truyền, thực hiện thí điểm tại sân bay quốc tế Nội Bài, ngày 15/11/2017, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan chính thức triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không tại tất cả các cảng hàng không quốc tế trên cả nước theo Quyết định số 43/2017/QĐ-TTg ngày 26/09/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, hầu hết các hãng hàng không tham gia thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không. 

Điểm mới quan trọng so với trước kia của Cơ chế một cửa đường hàng không là các hãng hàng không cung cấp các thông tin liên quan đến tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cho cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không bằng phương thức điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Sau đó Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ cập nhật, tự động chia sẻ thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không để kết nối tất cả các khâu liên quan. 

Bên cạnh đó, về phía cơ quan Hải quan còn thực hiện trao đổi thông tin với các doanh nghiệp kho, bãi hàng không phục vụ cho công tác quản lý giám sát hải quan. Khi các thông tin về tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được tiếp nhận và chia sẻ kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước sẽ rút ngắn thời gian thông quan và hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp logistic, doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không đem lại lợi ích toàn diện. Trước hết, thể hiện nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, tạo nền tảng để triển khai Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết. Đồng thời, thông qua việc tiếp nhận thông tin trước chuyến bay, cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, ngăn chặn buôn lậu, khủng bố. Bên cạnh đó, việc trang bị, quản lý, vận hành hệ thống CNTT giúp hiện đại hóa phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cán bộ công chức.

Ngày 01/3/2017,  Tổng cục Hải quan đã chính thức vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), mở rộng cung cấp DVCTT tối thiểu mức độ 3 cho 46 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là một trong những công việc quan trọng đã và đang được ngành Hải quan triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Từ năm 2014, Tổng cục Hải quan đã triển khai thành công hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, cung cấp DVCTT ở mức độ 4 đối với những thủ tục hải quan cốt lõi trong thông quan hàng hóa. Đến nay, 100% thủ tục hành chính (TTHC) cốt lõi trong lĩnh vực hải quan về thông quan hàng hóa đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Trong 11 tháng năm 2017, đã thực hiện thủ tục cho 10,08 triệu tờ khai của 77,35 nghìn doanh nghiệp qua hệ thống VNACCS/VCIS.

Để thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, từ ngày 01/3/2017, ngành Hải quan tiếp tục triển khai Hệ thống DVCTT trên Cổng thông tin điện tử hải quan, qua đó tiếp tục cung cấp DVCTT cho 46 TTHC. Từ khi triển khai đến ngày 31/12/2017, Hệ thống DVCTT đã tiếp nhận và xử lý hơn 73 nghìn bộ hồ sơ TTHC với sự tham gia của gần 11,8 nghìn cá nhân, doanh nghiệp. 

Trong thời gian qua, Hệ thống DVCTT luôn vận hành thông suốt, đảm bảo cho việc xử lý TTHC của tổ chức, cá nhân cũng như việc thực hiện nghiệp vụ của cơ quan hải quan. Hầu hết các vướng mắc phát sinh đều được Bộ phận hỗ trợ  của Tổng cục Hải quan xử lý kịp thời.

Tính đến nay, ngành Hải quan đã cung cấp 123 DVCTT mức độ 4 và 3 DVCTT mức độ 3 (trên tổng số 178 TTHC), đạt tỷ lệ 71%. Trong năm 2017, tổng số hồ sơ đã được cơ quan hải quan thực hiện DVCTT mức độ 4 cho doanh nghiệp là: 10,142 triệu hồ sơ. 

Với số lượng lớn DVCTT mức độ 3 và 4 như hiện nay, cơ quan hải quan đã tạo nhiều thuận lợi cho DN, đó là khai báo các TTHC liên quan đến thông quan hàng hóa; nộp thuế, phí, lệ phí; thủ tục đối với phương tiện vận tải và nhận được kết quả phản hồi của cơ quan hải quan trên mạng internet. Những nỗ lực của cơ quan hải quan đã giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, đồng thời góp phần triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ./.

Đọc thêm