Trái cây Việt 'thua' ngay trên sân nhà

(PLO) -Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhưng thị trường của trái cây Việt lại chủ yếu là Trung Quốc. Trái lại, thị trường trong nước đang yếu thế trước sự “xâm lăng” của trái cây ngoại nhập. 
Hoa quả ngoại trong các siêu thị, cửa hàng luôn được bày cẩn thận ở những quầy, kệ.
Hoa quả ngoại trong các siêu thị, cửa hàng luôn được bày cẩn thận ở những quầy, kệ.

Đường rộng vẫn khó đi

Theo thống kê của Cục Hải Quan, tổng giá trị xuất khẩu rau quả cả nước năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước. Giá trị xuất khẩu dự kiến sẽ tăng lên 3 tỷ USD trong năm 2017, đứng thứ 3 trong nhóm hàng nông sản.  Không chỉ tăng trưởng vượt hạt điều, hạt tiêu, cao su mà trái cây còn vượt cả kim ngạch xuất khẩu lúa gạo.

Hiệp hội trái cây Việt Nam cho biết, hiện nay trái cây Việt Nam được xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, trái cây Việt đang dần chinh phục thị trường khó tính nhờ bán trái vụ. Một số mặt hàng trái cây được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… ưa chuộng là thanh long, vú sữa, bưởi, sầu riêng, xoài, măng cụt…

Các chuyên gia nhận định tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất lớn, nếu kiểm soát tốt chất lượng và mở rộng được thị trường thì trái cây Việt có thể tăng lên 5 tỷ USD/năm. Riêng tại thị trường Mỹ, gần đây, Bộ nông nghiệp Mỹ đã đề xuất ý kiến sửa đổi các quy định để cho phép xoài tươi Việt Nam được nhập khẩu vào nước này. 

Tuy được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn của ngành nông sản nhưng thực tế 70% trái cây xuất khẩu lại chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại, nếu không cẩn thận trái cây sẽ gặp nhiều rủi ro và dễ dẫn đến tình trạng phải đổ bỏ trái cây như đã từng đổ bỏ các loại nông sản khác đã diễn ra trước đây. 

Chuyên gia của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang kiểm tra chôm chôm Việt trước khi đưa vào chiếu xạ
Chuyên gia của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đang kiểm tra chôm chôm Việt trước khi đưa vào chiếu xạ

“Để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì phải tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây sang nhiều nước khác nhau. Trong đó, tập trung vào những nước có nhu cầu lớn và giá trị nhập khẩu trái cây cao như Nhật Bản, Mỹ, Nga...”, GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia về nông nghiệp) nhấn mạnh.

Chia sẻ về cách chọn loại trái cây xuất khẩu, GS Xuân cho rằng, cách làm xuất khẩu của ta còn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, chưa tìm hiểu kỹ và chuẩn bị cả quy trình. Hệ quả là một số loại trái cây trong thời gian đầu được chọn xuất khẩu hiệu quả không cao, hàng bị trả về vì không có kiến thức về kỹ thuật sơ chế, bảo quản…

Nhiều nước yêu cầu trái cây xuất khẩu phải được sản xuất theo VietGAP, được chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Trong khi đó, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, không đảm bảo được độ tươi, ngon khi xuất khẩu khiến trái cây Việt khó đi xa.

“Thị trường khó tính luôn có những quy định khắt khe, nhưng nếu doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được đơn hàng, vượt qua các rào cản kỹ thuật, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm thì sẽ có thị trường ổn định, đơn hàng tốt”,  GS Xuân nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia nông nghiệp này, cái khó vẫn là hiện tại nông dân chưa quen tập trung sản phẩm mà thích bán tại các chợ dọc đường, thiếu đảm bảo trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm (nhận tiêu thụ toàn bộ hoặc một phần sản phẩm của một đơn vị sản xuất theo những điều kiện nhất định - PV) do thiếu cơ chế trong ràng buộc hợp đồng bao tiêu. Do vậy, trái cây vẫn còn trồng manh mún.

“Với số phận lận đận của trái cây và nông sản Việt Nam, doanh nghiệp phải đồng hành cùng nông dân, lo đầu ra cho sản phẩm. Nhà nước cần có chiến lược gắn kết từ sản xuất đến thị trường. Theo đó, cần có các chương trình nghiên cứu khoa học để ứng dụng công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu những mối nguy hại từ dịch bệnh, thuốc bảo vệ thực vật…

Nho bày sơ sài trên chiếc mẹt của xe hàng rong
Nho bày sơ sài trên chiếc mẹt của xe hàng rong

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng cho nhà sản xuất đầu tư để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính”, GS Xuân nhấn mạnh.

Bỏ ngỏ thị trường nội?

Trong khi trái cây Việt xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc thì thị trường nội địa, miếng bánh không kém phần béo bở lại bị trái cây ngoại “xâm lăng”. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 529 triệu USD để nhập khẩu rau quả tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ cần dạo qua thị trường có thể thấy trái cây ngoại “áp đảo” thị trường như thế nào. Trái cây ngoại xuất hiện từ siêu thị, cửa hàng, chợ và tràn lan cả trên mạng. Chủng loại trái cây cũng rất đa dạng phong phú từ hàng cao cấp cho đến hàng bình dân với nhiều loại trái cây mới lạ như dưa Sapo, táo Rubi, lê Nashi…, giá dao động vài chục đến vài trăm nghìn đồng/kg.

Thị trường trái cây Việt không chỉ bị cạnh tranh từ trái cây có xuất xứ ở các nước Châu Âu còn chịu sức ép từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Campuchia...

Ông Trần Minh, một chủ hàng trái cây ở chợ Long Biên cho biết, có thời điểm xoài từ Thái Lan, Campuchia đổ về Việt Nam với giá rất thấp nên người tiêu dùng chuyển sang mua xoài của các nước này mà quay lưng với xoài trong nước khiến người trồng xoài trong nước lao đao.

Cũng theo ông Minh, trái cây nhập khẩu hiện nay không quá đắt so với hàng trong nước. Nhưng lý do chính không phải giá mà mác ngoại mới là yếu tố đầu tiên khiến khách hàng ưu tiên mua.

Trái cây Việt chọn vỉa hè làm chốn dung thân
Trái cây Việt chọn vỉa hè làm chốn dung thân

Chị Hà Thu, chủ một cửa hàng kinh doanh trái cây tại phố Pháo Đài Láng, Hà Nội cho hay, cửa hàng chị có hơn 20 loại trái cây khác nhau, có cả trái cây Việt và hàng ngoại nhập. “Gần đây khá nhiều khách quen chuyển sang chọn trái cây ngoại. Các loại trái cây Việt dù rẻ hơn nhưng chất lượng không chênh lệch bao nhiêu so với trái cây ngoại. Tuy nhiên, khách vẫn chấp nhận bỏ chi phí cao để mua hoa quả nhập khẩu”, chị Thu nói.

Nhà có 4 thành viên, thu nhập tương đối ổn định, chị Kim Yến, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “Mấy năm gần đây, trái cây ngoại được nhập về Việt Nam rất nhiều, chủng loại phong phú, chất lượng đảm bảo mà giá cả phải chăng nên gia đình tôi chuyển sang dùng hàng ngoại”.

Nói về “sức hút” của trái cây ngoại, chị Yến dẫn chứng, cam Mỹ trái to, màu đẹp và đều quả, nhìn bắt mắt hơn cam trong nước, hay nho nhập khẩu trái to lại ngọt lịm, trong khi nho Việt trái nhỏ, lại có vị chua ngọt không hợp với khẩu vị nhiều người tiêu dùng. Trái cây ngoại ngoài ưu điểm mẫu mã đẹp thì thời gian bảo quản cũng khá dài, trong khi đó lại không phải lo sợ nhiều về chất bảo quản vì quy trình kiểm soát của nước ngoài vẫn tốt hơn.

Lý giải về việc trái cây ngoại chiếm lĩnh thị trường, TS. Nguyễn Thị Nhung, Hội làm vườn Việt Nam cho biết, có thể nói thị trường trái cây trong nước hiện đang bị bỏ ngỏ. Nhìn nhận một cách khách quan, trái cây nội ngay từ khâu thu hoạch, vận chuyển và tiếp thị, quảng bá sản phẩm đã còn nhiều hạn chế.

Nếu như trái cây ngoại được bảo quản kỹ lưỡng, đóng thùng và bảo quản ở môi trường lạnh để giữ độ tươi đẹp thì trái cây nội thu hái xong đựng trong sọt tre, bảo quản sơ sài và khi đến tay người dùng thì đa phần đã bị dập nát.

Theo bà Nhung, trong khi trái cây ngoại được bảo quản tốt, chiếm những vị trí đắc địa trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thì trái cây nội bị “đẩy” ra lề đường đổ thành sọt, đống với giá rẻ mạt. Chính vì thế việc trái cây ngoại “lấn lướt” trái cây nội trên thị trường là điều dễ hiểu.

Trái cây Việt đổ đống trong sọt được bán với giá rẻ mạt
Trái cây Việt đổ đống trong sọt được bán với giá rẻ mạt

Để tránh tình trạng trái cây đi theo “vết xe đổ” của các nông sản khác khi phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, bà Nhung hiến kế: “Để giảm thiểu rủi ro, gia tăng cơ hội xuất khẩu, doanh nghiệp ngoài việc nâng cao chất lượng trái cây, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản thì cần quan tâm hơn đến thị trường nội địa đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có quy hoạch và chiến lược dài hơi để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này”.

Đọc thêm