Tranh cãi về cung cấp thông tin sai sự thật trong kinh doanh bảo hiểm

(PLO) - Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, quy định liên quan đến hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cần phải được sửa đổi đảm bảo thống nhất quy định tại luật và phù hợp với Bộ luật Dân sự.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật là hành vi lừa dối

Góp ý các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, điểm a khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định, khi bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Bên cạnh đó, điểm d khoản 1 Điều 22  Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 cũng quy định, khi bên mua bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu.

“Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề xuất quy định rõ trường hợp nào thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giải quyết theo hướng xử lý hoàn phí do hợp đồng vô hiệu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22, trường hợp nào thì đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19”, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nêu quan điểm.

Lý giải cho đề xuất này, Hiệp hội cho biết, hiện tại Luật Kinh doanh bảo hiểm đang quy định hai chế tài đối với cùng một hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Về bản chất, việc cố ý cung cấp thông tin sai sự thật và việc có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng là giống nhau. Trong khi Điều 19.2.a và Điều 22.1.d quy định hậu quả pháp lý hoàn toàn khác nhau.

Trên thực tế, có doanh nghiệp bảo hiểm đang xây dựng điều khoản dựa trên Điều 19.2.a (không hoàn phí), có doanh nghiệp bảo hiểm dựa trên Điều 22.1.d (có hoàn phí) và đều được Bộ Tài chính chấp thuận phê chuẩn điều khoản. Sự khác biệt này chưa thực sự công bằng cho các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường và cho chính khách hàng. Thực tế xét xử Tòa án thường tuyên hợp đồng vô hiệu và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hoàn phí.

Cần bổ sung các trường hợp hủy hợp đồng bảo hiểm

Ngoài ra, để thống nhất với Bộ luật Dân sự nên rà soát các trường hợp giao dịch bảo hiểm vô hiệu để cấu trúc lại điều khoản về các trường hợp vô hiệu của hợp đồng bảo hiểm. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự quy định giao dịch dân sự sẽ trở nên vô hiệu nếu một bên bị cưỡng ép, trong khi Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa đề cập đến việc cưỡng ép khi giao kết hợp đồng bảo hiểm..., ví dụ khách hàng vay của ngân hàng bắt buộc phải mua bảo hiểm tín dụng.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự cũng quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, do đó, việc quy định các trường hợp hợp đồng vô hiệu thống nhất với Bộ luật Dân sự cũng sẽ giúp việc xử lý hậu quả của hợp đồng bảo hiểm vô hiệu dễ dàng hơn.

Ngoài trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu (sẽ được xử lý theo quy định của Bộ luật Dân sự), Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định các trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể bị hủy do thông báo sai tuổi của người được bảo hiểm.

Về nguyên tắc, không chỉ có thông báo sai về tuổi, mà thông báo sai về giới tính hoặc tình trạng sức khỏe (không phải do cố ý lừa dối của khách hàng), cũng có thể dẫn đến việc hủy hợp đồng bảo hiểm. Do đó, theo quan điểm của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Luật Kinh doanh bảo hiểm nên bổ sung thêm các trường hợp hủy hợp đồng bảo hiểm này.

Chính vì lẽ đó, các chuyên gia về kinh doanh bảo hiểm cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm cần phải được sửa đổi theo hướng quy định các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm phù hợp, thống nhất với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm (bên mua bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm là một trong các trường hợp làm hợp đồng bảo hiểm vô hiệu) và quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự định nghĩa: “Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”. 

Đọc thêm