Trao quyền xử lý vi phạm toàn diện hơn cho Quản lý thị trường

(PLVN) - Kể từ khi Nghị định 98 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, lực lượng chức năng đã được trao thêm quyền để xử lý toàn diện các vụ việc vi phạm. 
Theo Nghị định 98, Đội trưởng Đội QLTT có quyền phạt tiền lên đến 25 triệu đồng đối với cá nhân và 50 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo Nghị định 98, Đội trưởng Đội QLTT có quyền phạt tiền lên đến 25 triệu đồng đối với cá nhân và 50 triệu đồng đối với tổ chức.

Có thể thu hồi tên miền sàn thương mại điện tử

Sau khi thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng nóng, việc kiểm soát những sai phạm về hàng hóa trên TMĐT gặp nhiều khó khăn do chưa đủ chế tài xử phạt. Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Nghị định 98 đã chính thức có hiệu lực, trong đó có những quy định rất cụ thể về việc những đối tượng tận dụng môi trường, lợi dụng để bán những sản phẩm ko rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, xâm phạm bản quyền.

Theo đó, ngoài việc bị xử phạt về hành vi bán hàng giả, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu thêm mức phạt về các hành vi kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, dịch vụ xâm phạm quyền SHTT trên môi trường internet.

Ngoài ra, Nghị định này cũng đã quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ sàn TMĐT. Theo Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT Nguyễn Kỳ Minh, nếu như trước đây, các sàn TMĐT rất cần các chính sách mở để thu hút người bán thì giờ đây, khi lượng người tham gia rất lớn, lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu người bán khiến việc đòi hỏi vai trò kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên các sàn ngày càng tăng cao, trong đó có việc gắn trách nhiệm của chủ sàn với hàng hóa bày bán trên các sàn. 

Trước đây, chỉ có thể yêu cầu các sàn phải có trách nhiệm xử lý, đóng các tài khoản xấu hoặc có các hình thức xử phạt về mặt kỹ thuật. Nhưng từ khi Nghị định 98 có hiệu lực, nếu các chủ sàn không hợp tác, không có biện pháp xử lý ngăn chặn nếu đã được thông báo về các gian lận, hàng giả, hàng cấm và vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt tới 40 triệu đồng. Thậm chí, với các trường hợp tái phạm nhiều lần, không phối hợp với các cơ quan quản lý có thể sẽ bị thu hồi giấy phép, dừng tên miền.

Nghị định 98 cũng bổ sung, mở rộng đối tượng quản lý TMĐTvới các nền tảng ứng dụng di động bán hàng, các ứng dụng này cũng sẽ được quản lý với các chế tài tương tự với website TMĐT. Cơ quan quản lý cũng sẽ buộc nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính từ các hoạt động như lợi dụng hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT để thu lợi bất chính; Tiếp tục hoạt động sau khi đã chấm dứt hoặc bị hủy bỏ đăng ký, chấm dứt hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT.

Tăng mức phạt tiền 

 Nghị định này cũng đã tăng mức hình phạt khi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức phạt cao nhất lên tới 100 triệu đồng nếu hàng hóa là thực phẩm, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, các chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế…

Đây là những hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, môi trường nên bị xử phạt gấp đôi so với hàng hóa thông thường. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị mức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện, buộc phải nộp lại số thu lợi bất hợp pháp từ sản xuất, kinh doanh sai phạm.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể về thẩm quyền xử phạt của lực lượng QLTT. Cụ thể, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1 triệu đồng đối với tổ chức.

Các Đội trưởng Đội QLTT có quyền phạt mức phạt tiền lên đến 25 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra các Đội trưởng còn được quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt nêu trên. 

Tương tự, Cục trưởng Cục QLTT cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ QLTT trực thuộc Tổng cục QLTT có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định xử phạt, Cục trưởng còn được tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm. 

Riêng Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, ngoài các quyền phạt cảnh cáo, tịch thu hàng hóa vi phạm và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, Tổng cục QLTT được phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định (200 triệu đồng). Nghị định này cũng quy định các mức phạt tương đương đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam…

Đọc thêm