Triển khai Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về thực hiện bảo đảm nghĩa vụ trong hệ thống ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 15/4/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 21/2021/NĐ-CP (Nghị định 21) quy định thi hành Bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2021.
• Hội nghị được tổ chức trực tuyến trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của các TCTD là hội viên của VNBA và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
• Hội nghị được tổ chức trực tuyến trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của các TCTD là hội viên của VNBA và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Văn bản quan trọng đối với các tổ chức tín dụng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA đánh giá Nghị định 21 là văn bản hết sức quan trọng, có ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD, liên quan đến công tác nghiệp vụ về tín dụng, giao dịch bảo đảm (GDBĐ), xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ).

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA 

Tổng thư ký VNBA cho biết, trước đây các TCTD áp dụng Nghị định 163/2006/CP-NĐ về GDBĐ (Nghị định 163) và Nghị định 11/2012/NĐ-CP bổ sung, sửa đổi Nghị định 163. Năm 2015, Bộ luật dân sự được ban hành mới và hoạt động GDBĐ vẫn được thực hiện theo Nghị định cũ. 

“Việc này dẫn đến nhiều bất cập, vướng mắc trong hoạt động của các TCTD. Do đó, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành văn bản mới thay thế Nghị định 163 cho phù hợp với thực tiễn…”- Ông Hùng cho biết.

Do Nghị định 21 có nhiều vấn đề mới, có thể có cách hiểu, cách nhận thức chưa đầy đủ, rõ ràng nên VNBA thấy rằng cần thiết tổ chức hội nghị triển khai để tạo điều kiện cho các TCTD nắm bắt, quán triệt, triển khai một cách đầy đủ, thuận lợi. 

Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Hùng, dù vẫn còn một số nội dung các TCTD kiến nghị chưa được đưa vào Nghị định do vướng luật nhưng cũng đã có một số điều chỉnh cho phù hợp ở mức Nghị định. \

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Mạnh, hàm Vụ phó Vụ pháp luật, Văn phòng Chính phủ đánh giá việc xây dựng Nghị định 21 hết sức phức tạp và sau khi ban hành, nội dung Nghị định tuy chưa thỏa mãn hết các vấn đề mà thực tiễn nêu ra nhưng đã cố gắng tiếp thu hết mức để quy định phù hợp với hoạt động về GDBĐ. 

“Trong thời gian tới, chúng ta có thể tính tới việc xây dựng một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn chẳng hạn Luật về GDBĐ, khi đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề toàn diện hơn…”- Ông Mạnh kỳ vọng.

Những điểm cần lưu ý

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ (Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Hồng Hải lưu ý, Nghị định 21 hướng dẫn một số vấn đề còn chưa có sự thống nhất trong thi hành Bộ luật dân sự 2015 và thuộc thẩm quyền của Chính phủ bao gồm các vấn đề chung, các vấn đề về TSBĐ, về xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm, về xử lý TSBĐ và các điều khoản thi hành.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ (Bộ Tư pháp)
 Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ (Bộ Tư pháp)

Đơn cử, Nghị định 21 đã thể chế hóa cách tiếp cận vật quyền của Bộ luật dân sự 2015 như quyền truy đòi. Cụ thể, Điều 7 Nghị định 21 quy định việc chuyển dịch TSBĐ dù đã phát sinh hiệu lực pháp lý với người thứ ba thì không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản trừ trường có sự thỏa thuận khác hoặc Bộ luật dân sự 2015 hoặc luật khác liên quan có quy định.

Đáng chú ý, Bộ luật dân sự 2015 đã tách bạch thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và hiệu lực đối kháng với người thứ 3 nhằm đảm bảo quyền lợi của bên nhận TSBĐ. 

Theo đó, hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 

Việc thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Theo đó, sau khi giao kết hợp đồng thế chấp, bên nhận thế chấp cần phải đăng ký GDBĐ để đảm bảo quyền lợi. Bất kỳ một bên thứ 3 nào khác trước khi tham gia giao dịch đối với tài sản này buộc phải biết tình trạng pháp lý tài sản. Nếu bên thứ ba chấp nhận giao dịch thì khi có tranh chấp phát sinh về tài sản thế chấp bên nhận thế chấp có được quyền "ưu tiên" trong việc xử lý tài sản thế chấp.

Về TSBĐ, Nghị định 21 quy định cơ chế pháp lý xác định, mô tả TSBĐ, cơ chế pháp lý giải quyết việc đầu tư vào TSBĐ, cơ chế pháp lý giải quyết biến động về TSBĐ. Trong đó, Nghị định quy định nguyên tắc xác định TSBĐ là tài sản không bị cấm mua bán, không cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu đều có thể đưa vào làm TSBĐ. 

Một số loại tài sản phát sinh vướng mắc trong thực tiễn đã được đưa vào quy định trong Nghị định như quy định về tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng. Theo đó, tài sản thuộc sở hữu của chủ thể quyền bề mặt được dùng làm TSBĐ, hoa tức, lợi tức hoặc tài sản khác có được từ việc khai thác sử dụng tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng được dùng để bảo đảm.

Trước đây, Bộ luật dân sự 2005 không quy định cụ thể về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo đảm. Với Bộ luật dân sự 2015 và Nghị định 21 đã quy định thống nhất rõ ràng hợp đồng bảo đảm được công chứng bắt buộc theo yêu cầu có hiệu lực từ thời điểm công chứng.

Liên quan đến vấn đề xử lý TSBĐ, Nghị định 21 không có quy định về thu giữ TSBĐ do hạn chế văn bản mức Nghị định. Tuy nhiên, để tháo gỡ vướng mắc, Nghị định đã quy định khi xử lý TSBĐ, chỉ cần thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.

Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao thì bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế TSBĐ để ngăn chặn việc tẩu tán TSBĐ, để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.

Nghị định cũng quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình. Theo đó, tài sản thuộc giao dịch dân sự vô hiệu được dùng để thế chấp mà đã được chuyển giao cho bên nhận thế chấp ngay tình thì hợp đồng thế chấp không bị vô hiệu. Chuyển giao tài sản thế chấp được xác định là việc chuyển giao giấy chứng nhận về tài sản thế chấp theo thỏa thuận hoặc đã thực hiện biện pháp thực tế khác để bên thế chấp không vi phạm nghĩa vụ mà không cần phải có sự chuyển giao tài sản.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị 
 

Đọc thêm