Triển vọng nào cho Thị trường Trái phiếu trong năm 2016?

(PLO) - Là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, năm 2015, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đã hoàn thành sát nút 100% kế hoạch trong những ngày cuối năm. Năm 2016, mặc dù áp lực huy động vốn khá cao song thị trường trái phiếu Việt Nam được dự báo có nhiều triển vọng phát triển…
Triển vọng nào cho Thị trường Trái phiếu trong năm 2016?
Tín hiệu vui ngày đầu năm

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành hôm 17/2 vừa qua, HNX đã huy động thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 6,50%/năm, giảm 0,1%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 03/2/2016). 

Được biết, phiên đấu thầu này đã thu hút 18 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ lên tới 21.470 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu trong khoảng 6,35-7,20%/năm. 

Ngoài ra, phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 5 năm huy động thêm được 1.500 tỷ đồng với 8 thành viên tham gia và khối lượng dự thầu hợp lệ lên tới 10.680 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn huy động thành công qua phiên thầu chính và phiên thầu phụ đạt 6.500 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ đầu năm 2016, KBNN đã huy động thành công 21.268,90 tỷ đồng TPCP qua hình thức đấu thầu tại HNX. Đây là kết quả khá ấn tượng khi năm 2015 vừa qua huy động trái phiếu đến giữa năm vẫn còn gặp khó. Báo cáo của KBNN cho biết, đến thời điểm 30/12/2015, tổng khối lượng huy động đạt 256.223,3 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Đa dạng hóa kỳ hạn thu hút nhà đầu tư

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), Quốc hội đã phê duyệt bội chi NSNN ở mức 4,95% GDP (254.000 tỷ đồng), vốn đầu tư các công trình trọng điểm 60.000 tỷ đồng và vay đảo nợ 155.100 tỷ đồng, như vậy tổng vay của ngân sách trung ương khoảng 409.100 tỷ đồng. Theo thông lệ hàng năm, dự kiến mức vay thông qua phát hành TPCP khoảng 50 - 60% trên tổng nhu cầu vay. 

Ngoài ra, để đảm bảo vốn cho các chương trình tín dụng đầu tư của Nhà nước và các dự án trọng điểm của địa phương, nhu cầu huy động phát hành TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương cũng sẽ ở mức không thấp hơn năm 2015.

Mặc dù năm 2016 áp lực huy động vốn khá cao, song theo lãnh đạo KBNN, thị trường trái phiếu, trong đó trụ cột là TPCP được dự báo sẽ nhận được nhiều thuận lợi. Trước hết, thành tựu kinh tế trong 5 năm 2011- 2015, đặc biệt là những kết quả nổi bật trong năm 2015 sẽ là bước đệm vững chắc để năm 2016 xây nền móng cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 -2020. 

Những mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 mà Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII phê duyệt đã gửi đi thông điệp về quan điểm điều hành ổn định và phát triển kinh tế của Việt Nam, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trái phiếu. 

Bộ Tài chính cũng đang quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt các mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 theo chiến lược đã đề ra, theo đó việc xây dựng hệ thống nhà tạo lập thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển cơ sở hạ tầng đang được các đơn vị nỗ lực triển khai thực hiện. 

Đặc biệt, với việc triển khai thí điểm thành công các sản phẩm mới trong năm 2015, thị trường trái phiếu năm 2016 sẽ có các loại kỳ hạn từ 3 – 30 năm dưới nhiều hình thức sản phẩm hơn thay vì chỉ có 01 loại sản phẩm truyền thống như trước đây. 

“Việc đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường được kỳ vọng sẽ thu hút được sự tham gia của đông đảo các loại hình nhà đầu tư, giúp cho Bộ Tài chính (KBNN) tăng khả năng huy động vốn, đồng thời phát triển cơ sở nhà đầu tư, giảm sự phụ thuộc vào khối ngân hàng thương mại…” - đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Mặt khác, năm 2016, khối lượng trái phiếu đáo hạn khá lớn (gần 200.000 tỷ đồng), đây được xem là một trong những nguồn vốn lớn tiếp tục tham gia tái đầu tư vào các trái phiếu phát hành năm 2016.

Theo kế hoạch, Bộ Tài chính đã giao cho HNX trong năm 2016 đưa thị trường phái sinh với các sản phẩm là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và Hợp đồng tương lai TPCP đi vào hoạt động. Việc đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào vận hành sẽ giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán cơ sở phát triển, là công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư và củng cố lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. 

Về lâu dài, các sản phẩm chứng khoán phái sinh không chỉ giúp bảo vệ lợi nhuận của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán mà còn giúp phòng ngừa rủi ro đối với các sản phẩm khác như hàng hóa, lãi suất như thông lệ của các nước trên thế giới.

Trái phiếu kỳ hạn dài đã tăng đáng kể
Năm 2015, tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn dài phát hành tăng đáng kể so với năm 2014: TPCP có kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm 75% tổng khối lượng TPCP phát hành (cả năm 2014 chỉ chiếm khoảng 47%), trong đó tỷ trọng trái phiếu có kỳ hạn trên 10 năm tăng đáng kể, chiếm gần 30% tổng khối lượng trái phiếu phát hành, tăng khoảng 10% so với năm 2014.

Đặc biệt, 2015 là năm đầu tiên KBNN thực hiện phát hành TPCP kỳ hạn dài 20 năm và 30 năm theo hình thức riêng lẻ cho các công ty bảo hiểm nhân thọ với tổng khối lượng phát hành dự kiến cả năm đối với kỳ hạn 20 năm là 7.000 tỷ đồng và 30 năm là 3.900 tỷ đồng. 

Tổng khối lượng phát hành cả năm 2015 là 10.130 tỷ đồng, chiếm 3,95% tổng khối lượng vốn huy động cả năm. Việc đưa thêm kỳ hạn trái phiếu dài hạn mới và hướng tới các công ty bảo hiểm đã giúp Bộ Tài chính thu hút thêm nguồn vốn đáp ứng nhu cầu chi của ngân sách.

Đọc thêm