Triển vọng xuất khẩu nông lâm thủy sản

(PLVN) - Kết thúc năm “Covid-19” 2020 với kim ngạch xuất khẩu hơn 41 tỷ USD, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình Chính phủ về phê duyệt “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030” với mục tiêu 50 - 51 tỷ USD vào năm 2025 và 60- 62 tỷ USD vào năm 2030.
Gỗ và lâm sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao.
Gỗ và lâm sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao.

“Điểm sáng” giữa mùa dịch 

Nếu như năm 2019, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 40,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,32% so với năm 2018, đóng góp khoảng trên 15% giá trị XK của Việt Nam thì năm 2020, kim ngạch XK NLTS đã đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Trong khó khăn, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ của nền kinh tế. Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về kim ngạch XK các mặt hàng NLTS, với một số mặt hàng chính có kim ngạch XK hàng năm trên 1 tỷ USD là gạo, rau quả, cà phê, điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản (tôm và cá tra). 

Năm 2020, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là: gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều và gạo (thêm mặt hàng gạo so với năm 2019).

Đối với thị trường XK, trong năm qua ngành nông nghiệp đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm XK, như vải thiều tươi lần đầu tiên XK chính ngạch sang Nhật Bản; chôm chôm vào Đài Loan (Trung Quốc); dâu tây và bí ngô vào New Zealand; tôm và cá tra XK vào Brazil...

Được biết, trong thành tựu XK của cả nước năm 2020 (281,5 tỷ USD), ngành nông nghiệp đã góp phần rất lớn (41,2 tỷ USD). Đặc biệt, suất siêu NLTS chiếm hơn 54% so với giá trị xuất siêu chung (10,4 tỷ USD/19,1 USD)...

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo tờ trình Chính phủ về Phê duyệt “Đề án thúc đẩy XK NLTS đến năm 2030”, Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch XK các sản phẩm NLTS, tham gia toàn diện và bền vững vào chuỗi cung ứng NLTS, thực phẩm toàn cầu.

Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm NLTS XK của Việt Nam nhằm đáp ứng được các quy định của các thị trường nhập khẩu. Tiếp tục định vị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm NLTS của Việt Nam trên thị trường Quốc tế.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, giá trị XK các sản phẩm NLTS của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 22 tỷ USD, lâm sản đạt từ 13,5-14 tỷ USD, thủy sản đạt 12,5 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1- 1,5 tỷ USD, mặt hàng NLTS khác đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD;

Bộ cũng đặt ra mục tiêu khoảng 20% sản phẩm NLTS của Việt Nam XK được gắn thương hiệu quốc gia, 50% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; Khoảng 50% giá trị XK các sản phẩm NLTS là qua chế biến và chế biến sâu.

Đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là giá trị XK NLTS của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 25 tỷ USD, lâm sản đạt khoảng 16-17 tỷ USD, thủy sản đạt 15 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt từ 3-4 tỷ USD, mặt hàng NLTS khác đạt khoảng 2 tỷ USD;

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK NLTS đạt khoảng 6%- 8%/năm; Tỷ lệ sản phẩm NLTS của Việt Nam XK được gắn thương hiệu quốc gia cũng tăng lên 40% và tỷ lệ sản phẩm truy xuất được nguồn gốc là 70%; Khoảng 60% giá trị XK các sản phẩm NLTS là qua chế biến và chế biến sâu.

Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể, từ hoàn thiện thể chế chính sách đến nghiên cứu khoa học công nghệ; tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm NLTS, đảm bảo an toàn thực phẩm; Phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến NLTS đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường; Xây dựng, phát triển thương hiệu; Phát triển thị trường NLTS; Phát triển các dịch vụ logistics cho XK NLTS; Hỗ trợ DN, phát huy vai trò của Hiệp hội trong giải quyết các tranh chấp thương mại…

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021 ngành NN&PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” ngành NN&PTNT trong năm 2021: tăng trưởng GDP nông nghiệp 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%, kim ngạch XK NLTS đạt 44 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, với những kết quả đạt được trong năm 2020 và những đường hướng đã vạch ra, cũng với sự đồng lòng, quyết tâm cao,  ngành NN&PTNT sẽ phấn đấu đặt được các chỉ tiêu mà Thủ tưởng giao.

Đọc thêm