Trọng tài Thương mại: Thêm “tự tin” cho doanh nghiệp FDI

(PLO) - Theo ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC phần lớn luôn có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là DN FDI và trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ tranh chấp nội địa luôn có xu hướng gia tăng. 
Nhiều DN quan tâm đến phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Hội thảo do VIAC tổ chức sáng 11/5
Nhiều DN quan tâm đến phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Hội thảo do VIAC tổ chức sáng 11/5

Điều này cho thấy, các DN, trong đó có DN FDI đã nhận thấy các ưu điểm nổi trội của phương thức trọng tài, tin tưởng lựa chọn trọng tài và VIAC để giải quyết tranh chấp…

40% doanh nghiệp FDI chọn phương thức trọng tài thương mại

Các số liệu trích từ Báo cáo chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 phân tích về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm DN FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến DN FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tòa án để giải quyết tranh chấp như khả năng năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho DN… Do đó, 40% các DN FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Theo ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký VIAC, khoảng 24% số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là DN FDI Trong số các tranh chấp này 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực Leasing.

Ông Phạm Mạnh Dũng - Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Rajah &Tann LCT Lawyers cho biết, tranh chấp trong hoạt động đầu tư được chia làm hai tầng, tầng cao là tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước tiếp nhận đầu tư, trong khuôn khổ các Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương hoặc các FTA. Cụ thể, tranh chấp về những vấn đề như thu hồi Giấy chứng nhận, đăng ký DN, đăng ký kinh doanh.

Ông Dũng thông tin, theo thống kê của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đã có 4 vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và Nhà nước Việt Nam, trong đó Việt Nam tăng 3 vụ.  Ở tầng thấp là các tranh chấp thương mại giữa các nhà đầu tư với nhau dựa trên các hợp đồng liên doanh, hợp đồng giao thầu, hợp đồng BOT, PPP... “Các tranh chấp này thường có phạm vi tranh chấp tập trung hơn như mua bán, bảo hiểm, gia công, tranh chấp giữa nội bộ công ty, các bên hợp đồng...”, ông Dũng nói.

Trọng tài thương mại- “nhất định phải có”!

Theo các chuyên gia và luật sư, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở một quốc gia đang phát triển và hội nhập sâu rộng như Việt Nam, trọng tài thương mại (trọng tài thương mại quốc tế) là một cơ chế giải quyết tranh chấp được xem là “nhất định phải có” .

Theo bà Hồ Thúy Ngọc, Trọng tài viên VIAC, trước khi chúng ta xem xét về việc thu hút FDI còn nhiều yếu tố phải nghiên cứu như: quan điểm nhà đầu tư, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư FDI, nền tảng pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

“Trong số đó, cơ chế giải quyết tranh chấp là điều quan trọng mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm để bảo vệ khoản đầu tư của họ.Nếu chúng ta không đảm bảo tính sẵn có và hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp, sự lựa chọn và giải quyết tranh chấp, nhà đầu tư khó có thể an tâm rằng có được những phán quyết công bằng  cho các tranh chấp của họ…”- Bà Ngọc nói.

Theo bà Ngọc, tranh chấp trong hoạt động đầu tư có nhiều cơ chế để giải quyết: tòa án, trọng tài thương mại; cơ chế ngoại giao… Trong khi phương thức tòa án hiện nay được đánh giá là không hấp dẫn, giải quyết tranh chấp thông qua các kênh ngoại giao có thể được sử dụng trong một số ít trường hợp tuy nhiên có bất lợi nhất định, thì phương thức được ưa chuộng sử dụng là trọng tài thương mại và trọng tài đầu tư.

Thống kê về thủ tục giải quyết trọng tài, so sánh giữa một số trung tâm trọng tài đến từ một số nền tài phán, đáng chú ý có tiêu chí, thời gian giải quyết tranh chấp, bà Ngọc cho biết: Điều quan trọng nhất là thời gian, trước đây tiến hành xét xử trọng tài thông thường phải mất 326 ngày, tại Ấn Độ quá trình này phải mất 569 ngày, còn VIAC chỉ chưa đến 200 ngày, rút gọn còn chưa đến trên 100 ngày. Con số này rất ấn tượng. Thêm vào đó sau khi có phán quyết thì phán quyết của VIAC có thể trực tiếp được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự tại Việt Nam…

Về lý do chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài, ông Phạm Mạnh Dũng - Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Rajah &Tann LCT Lawyers nhấn mạnh yếu tố là trọng tài tôn trọng ý chí thoả thuận của các bên, thủ tục nhanh chóng linh hoạt bảo mật thông tin, cơ quan trọng tài trung lập, chuyên môn trọng tài cao. “Và đặc biệt, trọng tài thương mại ở Việt Nam có ưu điểm lớn là có thể được thi hành trực tiếp tại cơ quan thi hành án Việt Nam mà không phải trải qua thủ tục công nhận thi hành như quy định tại Công ước NewYork 1958”- ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Ngô Thanh Tùng, Trọng tài viên VIAC, Luật sư thành viên Cty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF), cũng nhấn mạnh vấn đề quan trọng mà các nhà đầu tư cần lưu ý khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho các tranh chấp của mình. “Toà án hay trọng tài, trọng tài nước ngoài hay trọng tài Việt Nam, việc lựa chọn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng tôi tin tưởng rằng trọng tài thương mại nên là phương án được các luật sư và DN sử dụng”- ông Tùng nhấn mạnh và cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia có DN muốn tham gia xét xử trọng tài thì đều ưu tiên sử dụng trọng tài trong nước.

Đọc thêm