Trừng phạt lẫn nhau - Nga và EU cùng thiệt hại lớn

(PLO) - Liên minh châu Âu (EU) vừa tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine từ hơn 3,5 năm qua. Những biện pháp này được cho là không những gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga mà còn có tác động ngược trở lại với các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu đã thiệt hại tới hơn 100 tỷ USD, trong khi số thiệt hại của Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD
Kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu đã thiệt hại tới hơn 100 tỷ USD, trong khi số thiệt hại của Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD

Ngày 21/12, Hội đồng Liên minh châu Âu đã quyết định kéo dài thời hạn thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Nga đến ngày 31/7/2018; lấy làm tiếc là các thỏa thuận về thực thi Hiệp định Minsk về thiết lập lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đã không được thực thi đầy đủ. 

Lệnh cấm vận

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU (ngày 14 và 15/12) vừa qua, quyết định kéo dài lệnh cấm vận đối với Nga đã được các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU thông qua. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh trên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã hoan nghênh việc kéo dài lệnh trừng phạt và khẳng định điều này củng cố sự đoàn kết của EU. 

Trong khi đó, phía Nga đã tuyên bố lấy làm tiếc về quyết định của các nhà lãnh đạo EU. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với EU mặc dù lệnh trừng phạt vẫn tiếp diễn. Ông Peskov nhấn mạnh: “Tôi rất lấy làm tiếc và quyết định kéo dài lệnh trừng phạt trên không phù hợp với lợi ích của các nước thành viên EU và Nga”.

Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga chủ yếu nhằm vào những lĩnh vực đặc thù như năng lượng, quốc phòng và tài chính và cấm người châu Âu đầu tư tại Nga. Trong thời gian qua, phía Nga cũng đã đáp trả bằng việc thiết lập lệnh cấm vận đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của châu Âu.

Thiệt cả đôi đường

Nga và EU đã thiết lập quan hệ từ lâu và trong nhiều năm hai bên luôn hợp tác theo khía cạnh là các đối tác chiến lược. 

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và EU đã ngày càng trở nên sóng gió kể từ sau khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. EU bắt đầu áp đặt trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi 6 tháng các nhà lãnh đạo EU lại xem xét gia hạn trừng phạt Nga. Với lý do các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2015 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được thực thi, EU đã liên tục gia hạn các lệnh trừng phạt này bất chấp áp lực từ Nga và sự chia rẽ trong chính nội bộ EU. 

Trong thời gian qua, các biện pháp trừng phạt của EU với Nga nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng, theo đó các công ty châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các công ty châu Âu không được mượn hoặc cho 5 ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU. Đáp trả lại, Nga cũng đã có các lệnh cấm nhập khẩu lương thực-thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên EU. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía EU với thời gian là 6 tháng. 

Trong hơn 3 năm qua, các biện pháp trừng phạt qua lại lẫn nhau này đều gây thiệt hại kinh tế cho cả Nga và các nước EU. Mới đây trong báo cáo đặc biệt của Liên Howợp quốc về vấn đề tác động tiêu cực của những biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người (công bố hồi tháng 9/2017), kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu mỗi tháng chịu thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD, trong khi đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD. Ngành khai thác dầu của Nga cũng bị ảnh hưởng mạnh. Thống kê cho thấy, sự sụt giảm đối với ngành sản xuất dầu và khí đốt ở Nga do các lệnh trừng phạt của EU lên đến 30%.

Theo nhà nghiên cứu Idris Jazair - tác giả của báo cáo trên - mặc dù trong bối cảnh bị bao vây trừng phạt và giá dầu mỏ sụt giảm mạnh, nhưng Chính phủ Nga đã thực hiện được chính sách kinh tế hiệu quả và thích nghi được với thực tế mới. Trong khi đó, ông Jazair cũng kết luận rằng, những biện pháp trừng phạt Nga của EU là phản tác dụng, bởi vì quá trình toàn cầu hóa đã khiến những biện pháp trừng phạt đụng chạm đến cả chính những quốc gia khởi xướng.

Đứng trước thực tế đáng lo ngại này, giới doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Đức đã kêu gọi giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao nỗ lực ngăn chặn việc siết chặt hơn nữa chế độ trừng phạt chống Nga. Gần đây nhất, Tổng thống Cộng hoà Séc Milos Zeman cũng đã kêu gọi Nga và các nước phương Tây từ bỏ những biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Tổng thống Zeman bày tỏ sự phản đối về các biện pháp trừng phạt mà EU, trong đó Séc là một quốc gia thành viên, áp đặt chống Nga, cũng như các biện pháp trả đũa của Nga. Theo ông Zeman, đã đến lúc kết thúc các biện pháp trừng phạt nhau vì chúng gây thiệt hại cho tất cả các bên.

Thực tế, tuy áp đặt trừng phạt Nga, song chính các nước EU lại muốn “giữ chân” Nga bởi Nga là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của EU trong nhiều năm qua, đồng thời giữ quan hệ với Nga cũng sẽ bảo đảm nguồn cung năng lượng cho thị trường châu Âu. Do đó, trong năm 2017 vừa qua, tuy mối quan hệ giữa Nga và EU được đánh giá là “ổn định ở mức độ thấp”, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai bên đã tăng 25%, bất chấp các lệnh cấm vận. Ngoài ra, mối quan hệ này còn mở rộng ra ngoài khuôn khổ về thương mại. Dự kiến trong tháng 2/2018 tới, hai bên sẽ tiến hành tham vấn về vấn đề Bắc Cực. 

Đọc thêm