Truy thu gần 400 tỷ tiền thuế: Bộ Tài chính có bị doanh nghiệp khởi kiện?

(PLO) - Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2014, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu đã kiến nghị Thủ tướng hủy bỏ việc truy thu gần 400 tỉ đồng tiền thuế với 8 DN xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng Thủ tướng đã đồng ý và vẫn giữ nguyên quan điểm truy thu. Liệu DN xăng dầu có khởi kiện Bộ Tài chính như đã thách thức?
Giá xăng tăng thường xuyên là nỗi bức xúc của người dân. Ảnh: Khánh Tùng
Giá xăng tăng thường xuyên là nỗi bức xúc của người dân. Ảnh: Khánh Tùng
Như PLVN đã thông tin, trước đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan truy thu gần 400 tỷ đồng đối với các “đại gia” xăng dầu. Việc truy thu này bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 17060 ngày 7/12/2012 yêu cầu Tổng cục Hải quan phải thay tờ khai hải quan với các lô hàng xăng dầu chuyển từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa. Đáng chú ý, thời điểm tính thuế được văn bản này hướng dẫn là tính từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế.
Doanh nghiệp kêu oan với Thủ tướng
Tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2014, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam được Ban Tổ chức sắp xếp cho lên phát biểu trước tiên. Chủ tịch Hiệp hội này đánh giá về câu chuyện truy thu thuế “oan” đối với tám DN đầu mối xăng dầu là bất hợp lý, gây nhiều bức xúc trong lĩnh vực điều hành, hoạt động kinh doanh xăng dầu suốt một năm qua không được giải quyết. 
Ông Ruệ cho rằng: “Việc ra quyết định truy thu thuế không đúng luật định hiện hành không chỉ gây tổn thất về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng tới uy tín của tám  DN nhập khẩu xăng dầu trong cộng đồng xã hội”.
Theo ông Ruệ, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các DN xăng dầu đã gửi nhiều công văn lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan. Nhưng cho đến nay, Bộ Tài chính vẫn cho rằng việc truy thu thuế của mình là đúng với luật pháp nhưng lại không đưa ra căn cứ pháp lý chuẩn mực nào thuyết phục được các DN khiến cho Hiệp hội và các DN phải tiếp tục khiếu kiện. “Cho thu hồi Văn bản 17060 ngày 7/12/2012 của Văn phòng Bộ Tài chính. Xử lý theo pháp luật hiện hành đối với số tiền thuế của các DN đã nộp”- ông Ruệ kiến nghị.     
Thủ tướng đồng ý, Kiểm toán đồng tình…
Trong nhóm vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lựa chọn để giải đáp với DN thì bức xúc của Hiệp hội Xăng dầu và các DN kinh doanh ở lĩnh vực này được ông “ưu ái” dành thời gian nhiều nhất. Bộ trưởng Dũng liệt kê một số căn cứ pháp lý về thủ tục hải quan và chính sách thuế trong việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu tạm nhập, tái xuất chuyển nội địa, được quy định trong Luật Thuế xuất nhập khẩu, Nghị định số 154 của Chính phủ và Thông tư 194 của Bộ Tài chính để phân tích. 
Bộ trưởng nói: “Căn cứ quy định, khi hàng hóa tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa phải thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng loại hình nhập khẩu kinh doanh và thời điểm tính thuế được quy định: thuế nhập khẩu được tính theo thuế suất, giá tính thuế và tỷ giá dùng để tính thuế theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế; đồng thời cơ quan hải quan có trách nhiệm thu đủ thuế theo quy định”.   
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, trong quá trình xử lý vụ việc này, Bộ Tài chính cũng đã lấy ý kiến của Kiểm toán Nhà nước vì Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiểm toán về vấn đề này. Theo ông Dũng, quan điểm của Kiểm toán Nhà nước là khi thay đổi loại hình xuất, nhập khẩu tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa để kinh doanh thì DN phải mở tờ khai hải quan mới và thời điểm tính thuế, thuế suất được tính thời điểm đăng ký tờ khai mới. 
Bộ Tài chính: Tiếp tục rà soát truy thu
Ông Dũng nói, cơ quan kiểm toán cũng xác định, thuế phải nộp đối với các tờ khai tạm nhập xăng dầu chuyển tiêu thụ nội địa trong năm 2012 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 154, đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các địa phương, Cục Kiểm tra sau thông quan phối hợp kiểm tra, rà soát tờ khai xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa, xử lý quyết định truy thu thuế theo kết quả kiểm toán. 
“Chúng tôi cũng đã có hai  lần có văn bản trả lời Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. Chúng tôi cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này và Thủ tướng đồng ý với cách xử lý của Bộ Tài chính. Bây giờ còn có vấn đề gì nữa thì sau Hội nghị này mời đồng chí Phan Thế Ruệ làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính để trao đổi kỹ để giải tỏa việc này” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. 
Như PLVN đã thông tin trên các số báo trước, trong số các DN bị truy thu thuế lần này đã dự báo sẽ khởi kiện nếu sau cuộc họp giữa Thủ tướng với các DN, vụ việc không thay đổi. Nay Thủ tướng đã đồng ý, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm tiếp tục truy thu,  “cửa” khởi kiện Bộ Tài chính ra Tòa vụ truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu đối với 8 DN đầu mối dường như là lựa chọn duy nhất sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính chính thức đưa ra quan điểm.

Đọc thêm