Từ chuyện “đấu khẩu” trong nhà" đến bàn đàm phán quốc tế

(PLO) - Trong sân chơi thương mại quốc tế, đòi hỏi các bên không chỉ phải am tường luật pháp trong nước mà còn phải thông tỏ luật pháp quốc tế. Và doanh nghiệp (DN) được ghi nhận như là một “nhà đàm phán tích cực”  trong các hiệp định thương mại.  
Từ chuyện “đấu khẩu” trong nhà" đến bàn đàm phán quốc tế
Mơ màng pháp luật
Đến nay, các DN Việt Nam đã đối mặt với 67 vụ kiện chống bán phá giá ở nhiều thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, “các DN nước ta đang bỏ quên một công cụ phòng vệ đã được pháp luật Việt Nam cho phép, phù hợp với luật chơi thương mại quốc tế, đó là kiện các DN nước ngoài bán phá giá tại thị trường Việt Nam...”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế, thuộc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ. 
Chỉ tới gần đây, DN Việt Nam mới mạnh dạn tiến hành 3 vụ khởi kiện, trong đó có 2 vụ tự vệ và 1 vụ chống bán phá giá. Điều đáng nói, qua các vụ kiện, phần lớn các DN đều lúng túng từ khâu thông tin, văn bản pháp luật và hồ sơ dữ liệu để chuẩn bị “tham chiến”. Không biết đến bao giờ DN nội mới hết cảnh mơ màng với pháp luật quốc tế, chưa nói tự tin, bản lĩnh để làm chủ trong các vụ kiện thương mại quốc tế?.
Một câu chuyện đang “hot” mấy ngày qua là việc Hiệp hội Mía đường gửi công văn dài tới 7 trang nhằm “đấu khẩu” với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú. Đứng ra bênh vực, bảo vệ quyền lợi DN vẫn là điều luôn được kỳ vọng ở các hiệp hội. Thế nhưng, quan trọng phải là các hiến kế, phản biện chính sách thuyết phục chứ không phải những giãi bày, “trách cứ” cá nhân. Nhiều trường hợp khác cũng cho thấy nhiều tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được sứ mệnh mà họ vẫn gánh vác trước các thành viên.
Một kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, hoạt động tham vấn chính sách đã có ít nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách “xa cả nghìn kilômet” so với kỳ vọng. Đơn cử, đối với đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vẫn có tới 64,35% số hiệp hội chưa từng tham gia ý kiến.
“Nhà đàm phán tích cực”
Kinh nghiệm thực tế từ các nước có hoạt động tham vấn chính sách phát triển, riêng như Hoa Kỳ, từ năm 1962 Chính phủ nước này đã thành lập Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) trực thuộc Văn phòng Tổng thống. USTR là đầu mối trong một cơ chế hợp tác liên ngành trong hoạch định chính sách thương mại của Hoa Kỳ. 
Đặc trưng của mô hình phối hợp giữa cộng đồng DN và USTR là ở chỗ DN không trực tiếp tham gia, không phải là một thành phần của USTR nhưng lại đóng vai trò chủ yếu (lập luận và vận động để có được sự hỗ trợ với sáng kiến) cho hầu hết các hành động của USTR. 
Luật Thương mại 1974 của Hoa Kỳ quy định rõ: “Đối với bất kỳ sáng kiến thương mại quốc tế nào, các ủy ban tư vấn phải được thành lập và cung cấp thông tin, tư vấn liên quan cho Chính phủ. Các ủy ban tư vấn này chịu sự điều hành của USTR, một mình hoặc phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp hoặc Bộ Lao động.
Trong quá trình đàm phán thương mại, Tổng thống có trách nhiệm xin tư vấn của các ủy ban này. Trong quá trình thông qua các hiệp định thương mại mà Tổng thống đã ký, Nghị viện sẽ yêu cầu các ủy ban này trình các báo cáo về các Hiệp định liên quan”. 
Nhìn vào quy định này có thể thấy sự tham gia của khu vực DN, hiệp hội và các nhóm lợi ích vào quá trình đàm phán các hiệp định mở cửa thương mại ở Hoa Kỳ không chỉ là vận động hành lang ở vòng ngoài mà đã thực sự là một nhân tố của quá trình đàm phán thương mại quốc tế. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ở Hoa Kỳ, người ta xem DN như một “nhà đàm phán tích cực”.

Đọc thêm