Tư lệnh ngành Công Thương “chốt” thời hạn báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh

(PLO) - Trực tiếp tham gia họp bàn và chỉ đạo về công tác cải cách hành chính tại Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã “hạ lệnh”: trước ngày 14/9, các đơn vị của Bộ phải tiến hành rà soát các thủ tục điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý. 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ trực tiếp xem xét, rà soát, cải cách các thủ tục hành chính
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ trực tiếp xem xét, rà soát, cải cách các thủ tục hành chính

Báo cáo kế hoạch tiến hành cải cách hành chính trước ngày 14/9/2017

Theo kết quả nghiên cứu và đánh giá từ phía VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Công Thương là một bộ đa ngành, các chính sách ban hành đều tác động mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất thương mại. Số lượng các thủ tục, ĐKKD nhiều sẽ gây cản trở cho sự phát triển kinh tế của cả nước. Theo thống kê, hiện ngành Công Thương có 1.216 ĐKKD. Đây được xem là con số khá lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN. 

Do vậy, VCCI và CIEM đều gửi kiến nghị, đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục cải cách hành chính, tiến hành cắt giảm thêm các thủ tục, trong đó có việc bãi bỏ một số ĐKKD đối với mặt hàng khí, gạo, rượu và dịch vụ logistics. Đích thân Bộ trưởng đã tham gia cuộc họp bàn về các vấn đề kiến nghị này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các đơn vị của Bộ không nên bàn chuyện đúng,  sai và phản biện lại các số liệu nghiên cứu của 2 đơn vị nêu trên. “Các con số 300, 400 hay 500 điều kiện, giấy phép con được thống kê không quan trọng bằng việc thời gian tới Bộ có cải cách hay không, bao nhiêu thủ tục sẽ tiếp tục được gỡ bỏ” - Bộ trưởng nêu quan điểm.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị rà soát ngay các thủ tục, ĐKKD đã được cắt giảm trong thời gian vừa qua phát huy hiệu quả như thế nào. Ngoài việc rà soát, các đơn vị phải tiếp tục xem xét, gỡ bỏ các ĐKKD,  thủ tục hành chính (TTHC), trên cơ sở chỉ giữ lại các điều kiện cần thiết, tiến tới mục tiêu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Cái gì có thể tháo gỡ, cắt bỏ được ngay thì cần cắt bỏ ngay. Cái gì chưa cắt bỏ ngay được thì nghiên cứu giải pháp phù hợp” và “Chúng ta cải cách vì DN”- Bộ trưởng yêu cầu.

Cũng theo Bộ trưởng, việc cải cách hành chính cần dựa trên tinh thần cầu thị, cải thiện môi trường kinh doanh. Do đó, Bộ trưởng “hạ lệnh”: “Trước ngày 14/9/2017, các đơn vị thuộc Bộ sẽ phải gửi bản tổng hợp báo cáo kế hoạch cải cách hành chính”. Bộ trưởng sẽ trực tiếp xem xét và cùng với Tổ công tác của Bộ tiến hành rà soát và có các quyết định cắt giảm cụ thể.

Sẽ bãi bỏ được 75 điều kiện đầu tư kinh doanh?

Trước đó, theo tinh thần cải cách thể chế, đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và bãi bỏ, đơn giản hóa nhiều điều kiện liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh (điều kiện về hạn chế tiếp cận thị trường). 

Trong năm 2017, theo chỉ đạo của Lãnh đạo, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động rà soát trình Chính phủ 08 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các điều kiện thuộc nhóm điều kiện đầu tư kinh doanh về hạn chế tiếp cận thị trường (thuộc quản lý của Bộ.

Theo tinh thần này, dự thảo các Nghị định sẽ bãi bỏ 75 điều kiện đầu tư kinh doanh theo cách tiếp cận của Luật Đầu tư điều kiện tiếp cận thị trường, liên quan đến các lĩnh vực như hóa chất, kinh doanh thuốc lá, khí, rượu. 

Cụ thể như sau: Dự kiến bãi bỏ và đơn giản hóa 23 điều kiện đầu tư kinh doanh Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hóa chất. Hiện Nghị định đã được trình Chính phủ xem xét.Nghị định thay thế Nghị định  19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí đã bãi bỏ 19 điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện Nghị định đã được gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Ngoài ra có 3 nghị định đang được trình Chính phủ ban hành, bao gồm: Nghị định sửa đổi Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá đã bãi bỏ 4 điều kiện đầu tư kinh doanh; Nghị định thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ logistics đã bãi bỏ 01 và sửa đổi 01 điều kiện đầu tư kinh doanh; Nghị định thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về kinh doanh rượu đã bãi bỏ 27 điều kiện đầu tư kinh doanh. 

Đọc thêm