'Tư lệnh' ngành Nông nghiệp 'chốt' mục tiêu tái cơ cấu

(PLO) - Tại Hội nghị tổng kết 5 năm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước “tư lệnh” ngành Nông nghiệp - Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra phương hướng, mục tiêu cho tiến trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của ngành mình.
'Tư lệnh' ngành Nông nghiệp 'chốt' mục tiêu tái cơ cấu

Bán, thoái vốn thu gần 4.000 tỷ đồng 

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 - 2015, Bộ NN&PTNT được đánh giá là một trong những bộ, ngành thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) hiệu quả về tiến độ, góp phần quan trọng vào sắp xếp đổi mới DNNN của cả nước. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát “chốt” lại: “Để thực hiện tái cơ cấu ngành, chúng ta phải làm nhanh hơn. Không cho phép chậm trễ, kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Đây là một yêu cầu bắt buộc”- 

Cũng theo thông tin từ Hội nghị: Đến hết năm 2015, Bộ NN&PTNT đã sắp xếp, CPH 12 Tổng Cty, 2 Cty trực thuộc Bộ; 2 Cty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ đã CPH vượt so với kế hoạch đề ra 4 DN, gồm Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng Cty Lương thực Miền Nam, Cty Cao su Tân Biên, Cty Cao su Bà Rịa. Tổng số tiền thu về từ CPH DNNN là 1.974 tỷ đồng, đến nay đã có 8/10 Tổng Cty CPH đã tổ chức bán cổ phần lần đầu (IPO) tại Sở giao dịch chứng khoán. 

Ngoài CPH, trong giai đoạn này, Bộ cũng đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn cho 1 Tập đoàn và 11 Tổng Cty, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành. Số vốn đã thoái tính đến 31/12/2015 là 2.175 tỉ đồng, đạt 39,6% so với kế hoạch. 

Theo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT), quá trình triển khai sắp xếp, đổi mới DN cho thấy còn nhiều tồn tại và hạn chế như: tiến độ thực hiện CPH một số DN còn chậm do đặc thù ngành nghề chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và đề án tái cơ cấu tại một số đơn vị chưa phù hợp và sát với thực tiễn nên khi triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại vướng mắc, công tác thoái vốn theo kế hoạch đã duyệt đạt thấp. 

Nhà nước không cần nắm giữ

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN đánh giá: mặc dù vượt so với kế hoạch đề ra về số lượng nhưng chất lượng các DN ngành Nông nghiệp sau khi CPH chưa nhiều. Đơn cử số vốn do Nhà nước nắm giữ tại một số DN sau khi cổ phần, tái cơ cấu vẫn còn lớn, có nơi vốn nhà nước chiếm đến hơn 90% dẫn đến tình trạng các DN sau khi sắp xếp đổi mới phương thức hoạt động vẫn làm theo kiểu cũ khiến hiệu quả chưa cao. 

Theo ông Doanh, đối với những ngành nghề như nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DN thì thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. 

“Muốn CPH nhanh và hiệu quả phải đổi mới tư duy trong cách làm. Vì vậy, ở đây những đơn vị, Cty nào chưa CPH thì chúng ta sẽ CPH theo cách Nhà nước không nắm giữ, còn nếu như các đơn vị đã CPH rồi thì bán nốt phần vốn Nhà nước đang giữ ở trong các Cty cổ phần. Chúng ta sẽ bán rất nhanh phần vốn đang ở các DN 100% vốn nhà nước và ở các Cty cổ phần”- ông Doanh nói.

Theo Bộ NN&PTNT, tái cơ cấu DNNN thuộc Bộ này là yêu cầu bắt buộc và là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp. Vì thế, thời gian tới cần tập trung sắp xếp tái cơ cấu DNNN, bao gồm các nông, lâm trường quốc doanh, các Cty nông, lâm nghiệp theo phương châm chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ nhưng đặc biệt phải chú trọng đến chất lượng tái cơ cấu. 

Liên quan tới việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các Cty nông, lâm nghiệp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014, tính đến ngày 17/12/2015, Thủ tướng đã phê duyệt 26 phương án, vẫn còn 5 tỉnh chưa được thẩm định là Tuyên Quang, Nam Định,  Thừa thiên Huế, TP Hà Nội, TP HCM./.

Đọc thêm