Tư nhân đầu tư lưới điện truyền tải: Cần hoàn thiện cơ chế quản lý vận hành

(PLVN) - Cho phép nhà đầu tư tư nhân thực hiện đầu tư lưới điện truyền tải nhưng chưa có cơ chế quản lý vận hành cho phù hợp khiến cho việc bàn giao tài sản hạ tầng lưới điện truyền tải vẫn chưa có hướng đi…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ doanh nghiệp tư nhân gặp khó…

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, chưa có quy định cụ thể về bàn giao hệ thống lưới điện truyền tải, phục vụ đấu nối cho ngành điện, ngoại trừ một số chủ đầu tư dự án điện BOT thì việc đầu tư bàn giao lưới điện thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận, quy định trong hợp đồng BOT. 

Riêng đối với đầu tư lưới điện phục vụ truyền tải chung của hệ thống điện quốc gia sẽ do ngành điện chịu trách nhiệm thực hiện đầu tư trên cơ sở danh mục các dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phù hợp với Luật Điện lực, đặc biệt là quy định về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải. Do đó các nhà đầu tư (NĐT) tư nhân chưa thể tham gia đầu tư lưới điện truyền tải mà chỉ thực hiện đầu tư hạ tầng lưới điện nhằm đấu nối nhà máy điện của mình lên hệ thống. 

Ông Mạc Quang Huy, thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Trường Thành Việt Nam cho biết, hiện nay không chỉ Trường Thành đang gặp khó khăn trong việc đấu nối các dự án nguồn điện với lưới điện quốc gia cũng như thực thi việc chia sẻ hạ tầng lưới điện do chưa có quy định và hướng dẫn thực hiện cụ thể về việc đầu tư các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất cụm các nhà máy điện của DN tư nhân cũng như việc vận hành, quản lý. 

Tuy nhiên, không chỉ NĐT tư nhân gặp khó trong việc bàn giao hạ tầng lưới điện cho ngành điện mà doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng chưa thể thực hiện được. Đại diện PVN cho biết, PVN muốn chuyển giao sân phân phối (ở các dự án Trung tâm điện lực Vũng Áng, Sông Hậu và Long Phú 1) cho ngành điện nhưng nhiều năm nay vẫn chưa chuyển được, do đó 1.500 tỷ đồng của PVN đầu tư vào sân phân phối vẫn chưa thể lấy lại được, làm nghẽn mạch vốn đầu tư. “PVN chỉ muốn nhận lại số tiền mình đã bỏ ra đầu tư nhưng chưa biết chuyển giao bằng cách nào, có phải đấu thầu hay không vì đều là DNNN” - vị đại diện PVN chia sẻ. 

Không nhận bàn giao

Ông Nguyễn Ngọc Tân, thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khẳng định, EVNNPT đã nêu rõ quan điểm “chủ đầu tư sẽ sở hữu, không bàn giao tài sản cho EVNNPT” đối với các công trình lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia do chủ đầu tư tư nhân thực hiện đầu tư xây dựng. Nguyên nhân khiến cho EVNNPT không nhận bàn giao các loại đường dây này là do không kiểm soát được quá trình đầu tư của các chủ đầu tư nên EVNNPT không thể kiểm soát được chất lượng, chi phí đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư. 

Việc không kiểm soát này tiềm ẩn rất lớn các nguy cơ sự cố, hư hỏng thiết bị, tổn thất điện năng cao trong quá trình quản lý vận hành. Trong trường hợp bàn giao tài sản với 0 đồng EVNNPT cũng sẽ gặp nhiều vướng mắc như giá trị tài sản đánh giá lại, thuế thu nhập bất thường, chi phí quản lý vận hành tăng thêm và hiện chưa có quy định về việc DNNN tiếp nhận tài sản từ NĐT tư nhân thành tài sản công. 

EVNNPT cũng đã từng đề xuất, tài sản lưới điện truyền tải đấu nối do các chủ đầu tư tư nhân đầu tư sẽ thuộc về NĐT và NĐT có thể thuê EVNNPT vận hành. Hiện EVNNPT đã thực hiện vận hành thuê cho một số tuyến đường dây như nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Ninh Thuận), Xuân Thiện Ea Sup 4 (Đắk Lắk), Mỹ Hiệp (Bình Đình), Long Sơn (Khánh Hòa)… 

Do đó, EVNNPT kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Điện lực có liên quan đến nội dung “nhà nước độc quyền truyền tải điện” theo hướng cần phân định rõ trách nhiệm nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm trong đầu tư các dự án truyền tải điện trục chính, truyền tải điện liên vùng, lưới điện truyền tải phục vụ cung cấp điện. Việc xã hội hóa đầu tư có thể thực hiện đối với các dự án lưới điện truyền tải đấu nối các công trình nguồn điện vào lưới điện truyền tải. “Đồng thời kiến nghị không bàn giao tài sản các lưới điện truyền tải do xã hội hóa” - ông Tân nhấn mạnh.

Ông Huy cũng cho rằng, việc cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các bên cùng tham gia đầu tư lưới điện truyền tải dùng chung hoặc sau này bàn giao cho ngành điện là vấn đề cần được giải quyết sớm dựa trên các quy định pháp lý cụ thể hoặc có các hướng dẫn chi tiết bắt kịp với thực tế đã và đang phát sinh. Do đó, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý trước khi đưa ra các quyết định cho phép DN tư nhân đầu tư vào lưới điện truyền tải ở các cấp độ khác nhau.

Đọc thêm