Tư nhân làm đường dây truyền tải: Đường đã mở nhưng đi có dễ?

(PLVN) - Sự kiện Trungnam Group khánh thành đường dây truyền tải và trạm biến áp 500 kV ngay sau lời đề nghị “được làm lưới điện truyền tải” của Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) có thể mở ra đường đi cho tư nhân làm lưới truyền tải. Nhưng con đường này đi có dễ?
Trạm biến áp 500 kV đã được Trungnam Group khánh thành.
Trạm biến áp 500 kV đã được Trungnam Group khánh thành.

Khẳng định năng lực tư nhân

Với tiềm lực và thuận lợi của một tập đoàn kinh tế tư nhân, chỉ sau 4 tháng, Trungnam Group đã hoàn thành một trạm biến áp 500kV và 18km đường dây 500 kV, góp phần giải tỏa công suất cho dòng điện năng lượng tái tạo (NLTT) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. 

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trungnam Group cho biết, để hoàn thành được dự án trị giá 12.000 tỷ đồng này, 557 ha mặt bằng đã được thu hồi, giải phóng trong 45 ngày và trong khoảng 4,5 tháng đã lắp 1,4 triệu tấm pin; Đào gần 3 triệu m3 đất đá; Lắp gần 8.5 triệu mét dây và cáp điện; Vận chuyển hơn 10.000 container; Đổ 50.000 m3 bê tông; 2 km đường dây 220 kV; 18 km đường đây 500 kV băng rừng cao vực sâu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, Dự án đi vào hoạt động, ngoài việc bổ sung thêm gần 1 tỷ kWh mỗi năm cho hệ thống điện, còn góp phần hỗ trợ giải tỏa công suất các dự án NLTT trong khu vực. Việc này cũng khẳng định sự đóng góp tích cực của thành phần kinh tế tư nhân vào việc phát triển ngành điện Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực truyền tải điện.

Đây cũng là hành động thiết thực góp phần đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đi vào cuộc sống.

Ông Vượng cũng đề nghị, để dự án trạm 500kV Thuận Nam được vận hành an toàn, tin cậy, ổn định, đóng góp tích cực cho việc giải tỏa công suất của các nhà máy điện trong khu vực, Chủ đầu tư cần tiếp tục thực hiện một số công việc như hoàn thành công tác kiểm tra nghiệm thu theo quy định; Bàn giao các công trình lưới truyền tải cho ngành điện như đã cam kết trước Chính phủ;

Đồng thời, tạo điều kiện để các dự án NLTT trên địa bàn huyện Thuận Nam được đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận (trong trường hợp chưa hoàn thành bàn giao cho ngành điện) và phối hợp với ngành điện về các thỏa thuận đấu nối tại TBA 500kV Thuận Nam liên quan đến Dự án Đường dây 500kV Vân Phong - Thuận Nam (trong trường hợp cần thiết). 

Cơ chế vận hành sẽ ra sao?

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) quan tâm xem xét tiếp nhận bàn giao, quản lý, vận hành đối với công trình Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối theo đúng quy định và chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, trả lời Báo PLVN, đại diện Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) cho biết, theo cam kết, sau khi dự án hoàn thành, Chủ đầu tư sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho EVN quản lý với chi phí 0 đồng.

Nhưng trong trường hợp EVN không tiếp nhận bàn giao, chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống theo cơ chế thống nhất với EVN và Tổng công ty Truyền tải điện (EVNNPT). Đồng thời đồng ý cho các dự án NLTT trên địa bàn huyện Thuận Nam tham gia đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận. 

Đại diện EVN cũng cho rằng, trạm biến áp 500 kV Thuận Nam là tài sản của Tập đoàn Trung Nam, nên Trung Nam cần tiếp tục quản lý, vận hành và phối hợp với EVNNPT để đảm bảo quản lý vận hành lưới điện theo đúng quy định. Đối với đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân, đề nghị Tập đoàn Trung Nam có kế hoạch cụ thể về tiến độ xây dựng, thời điểm thí nghiệm hiệu chỉnh đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân gửi EVNNPT để có sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ. 

Nhưng lãnh đạo EVN cũng khẳng định, coi việc quản lý vận hành là trách nhiệm của mình để hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân hoàn thành nhiệm vụ. Và EVN sẵn sàng hỗ trợ tối đa về kỹ thuật, thí nghiệm hiệu chỉnh, đào tạo lực lượng vận hành… để thu hút tư nhân tham gia đầu tư dự án truyền tải theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Trước mắt, trong quá trình chờ bàn giao dự án truyền tải cho Nhà nước, Trung Nam sẽ thuê đơn vị của EVN thực hiện quản lý vận hành.

Như vậy cơ chế vận hành trạm biến áp và đường dây truyền tải điện vẫn chưa có một quy định cụ thể nào để áp dụng. Theo Thứ trưởng Vượng, việc Tập đoàn Trung Nam xây dựng thành công hệ thống lưới điện 500kV đặt ra những vấn đề về cơ chế, chính sách cần tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian tới. Đó là làm sao để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội, nguồn lực của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào các hoạt động điện lực, trong đó có hoạt động truyền tải điện.

“Những kinh nghiệm có được qua việc thực hiện dự án của Tập đoàn Trung Nam sẽ là những đóng góp quý báu cho quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực trong giai đoạn tới” - ông Vượng nói.

Đọc thêm