Từng bước giãn dân để phát triển không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm

(PLO) - Để phát triển không gian đi bộ khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cũng nghiên cứu từng bước giãn dân ra ngoài để thuận tiện cho sinh hoạt, giảm mật độ dân cư khu vực nội đô lịch sử theo quy hoạch đã được phê duyệt.

 

Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã thu hút người dân và du khách
Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã thu hút người dân và du khách

Chiều nay (16/12), UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat), Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - xã hội Hà Nội (HISED) tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội”.

Hội thảo nhằm tìm giải pháp phát triển phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm  tăng cường không gian công cộng, nâng cao nhận thức của người dân về lối sống xanh, thân thiện với môi trường, cải thiện tình hình giao thông, tăng giá trị sử dụng đất trong khu vực.

Giúp người dân “thoát” được sự ồn ào, ô nhiễm

Đó là giá trị mà phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm mang lại đã được nhiều người dân và du khách ghi nhận. Theo KTS.Shinichi Mochizuki, Trung tâm quốc tế về thiết kế đô thị CarFreeDay (Nhật Bản), Dự án đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là một thông điệp có giá trị, cho thấy tầm quan trọng của không gian đi bộ đối với sự phát triển của Thủ đô.

Đại diện UBND quận Hòan Kiếm, ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận nhận định, sau hơn 3 tháng tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, đã tách giao thông cơ giới, giảm tiếng ồn, khói bụi cho khu vực trong 3 ngày cuối tuần.

Phố đi bộ tạo không gian tĩnh cho người dân chiêm ngưỡng những giá trị nổi trội của khu vực và “thoát” được sự ồn ào, ô nhiễm, thiếu an toàn của dòng phương tiện giao thông những ngày trong tuần.

Đồng thời, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm bổ khuyết cho không gian công cộng vốn rất thiếu ở trung tâm nội đô lịch sử của Hà Nội và đem được “tính chất tĩnh” cho trung tâm Thủ đô dù ban đầu có ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực.

Song TS.Nguyễn Hồng Sơn – Viện trưởng HISED chỉ ra, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức không gian này, nhiều giá trị chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, nhất là giá trị của những kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, gắn liền với lịch sử của Thủ đô.

Theo nhìn nhận của quận Hoàn Kiếm, hạn chế của không gian đi bộ là sản phẩm chất lượng và tiêu biểu, các dịch vụ tiện ích, phân luồng giao thông động và bố trí các điểm giao thông tĩnh (bãi đỗ xe). Giải quyết được những vấn đề này sẽ tạo ra một không gian đi bộ thực sự có ý nghĩa và đúng mục đích đề ra khi thí điểm tổ chức không gian này.

Không gian đi bộ biến TP “xám” thành TP “xanh”

KTS.Shinichi Mochizuki khẳng định, không gian đi bộ sẽ thúc đẩy thử nghiệm hệ thống giao thông tích hợp, cải cách hệ thống giao thông ở khu vực, cải thiện chất lượng sống, các ngành nghề địa phương thay vì du lịch. Đây là tiền đề để xây dựng TP “di chuyển ngắn” – một giải pháp bền vững cho phát triển “TP đáng sống”

Do đó, UBND quận cho rằng, để phát triển không gian đi bộ, TP cũng nghiên cứu từng bước giãn dân ra ngoài khu vực để thuận tiện cho sinh hoạt, giảm mật độ dân cư khu vực nội đô lịch sử theo quy hoạch đã được phê duyệt.

“Khi đó sẽ chỉ còn là các chức năng kinh doanh dịch vụ mà không còn chức năng ở tại các không gian sinh hoạt công cộng này” – đại diện UBND quận nhận định.

Không gian đi bộ là tiền đề để xây dựng TP “di chuyển ngắn” – một giải pháp bền vững cho phát triển “TP đáng sống”
Không gian đi bộ là tiền đề để xây dựng TP “di chuyển ngắn” – một giải pháp bền vững cho phát triển “TP đáng sống”

GS.Donyun Kim – Đại học Sung Kyun Kwan, Cố vấn Tổng thống về Chính sách kiến trúc Hàn Quốc nhận định, có thể tạo giá trị cho TP bằng những phố đi bộ vì những không gian đi bộ công cộng sẽ giúp sức khỏe cộng đồng tốt hơn, kết nối chặt chẽ hơn, tin cậy lẫn nhau hơn và giảm tỷ lệ tội phạm, giảm khí ô nhiễm phát thải từ phương tiện giao thông cơ giới, phát triển du lịch thông qua thúc đẩy các chương trình liên quan và cải thiện môi trường...

Với TS.Nguyễn Quang – Giám đốc UN-Habitat,  Hà Nội phải kết nối, khai thác được các giá trị văn hóa lớn với rất nhiều lớp lang hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử ở khu vực phố đi bộ, dần chuyển từ TP “xám” (do khói bụi) sang “TP “xanh” với các đường đi bộ để tiếp cận tới khu thương mại trung tâm. 

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm kết nối với không gian đi bộ khu phố cổ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ, thu hút người dân và du khách.  Điều đó được minh chứng bằng số lượng du khách đến với không gian này vào khoảng 1,5 triệu lượt người, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính trung bình có khoảng 3.000 – 5.000 người/ngày và khoảng 1,5 đến 2 vạn người/tối đã đến đây. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ cho dịch vụ, du lịch tại đây tăng 12 cửa hàng.

Đọc thêm