Tuy Hòa, Phú Yên: Vì sao người dân không đồng tình với kết quả quan trắc?

(PLO) - Báo PLVN đã có bài viết phản ánh về tình trạng hàng chục hộ dân sống ở hẻm 130, Lý Thường Kiệt, phường 7, TP Tuy Hòa bị ô nhiễm khí thải, nước thải và tiếng ồn từ Nhà máy sản xuất dược phẩm của Công ty Cổ phần Pymepharco. Mới đây, phóng viên đã có buổi làm việc với Sở TN&MT Phú Yên để làm rõ về vấn đề này.
Công ty Cổ phần Pymepharco
Công ty Cổ phần Pymepharco

Dân không đồng ý đo đạc

Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cho biết: Tiếng ồn chủ yếu phát sinh từ các máy nén lạnh và hiện tại công ty có 4 máy nén lạnh, công suất 90HP, trong đó có một máy dự phòng, tất cả máy được đặt trong phòng kín có diện tích khoảng 136m2. Để phục vụ cho quá trình sản xuất, ban ngày công ty cho hoạt động 3 máy, ban đêm hoạt động 2 máy và bảo dưỡng định kỳ 3 tháng/lần.

Lãnh đạo Sở này cũng thừa nhận vào năm 2013, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc Nhà máy sản xuất dược phẩm (Nhà máy) của Công ty Cổ phần Pymepharco gây tiếng ồn, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và đo độ ồn, kết quả vượt qua quy chuẩn cho phép (vượt 1,0036 lần). Theo đó, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5 triệu đồng và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn.

Được biết, ngày 3/7/2017 Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT Phú Yên tiến hành kiểm tra đo tiếng ồn tại Nhà máy vào lúc 22h, nhưng các hộ dân đã có ý kiến cho rằng, phía Nhà máy đã tắt bớt thiết bị máy móc nên tiếng ồn đã giảm nhiều hơn những ngày trước và đề nghị đoàn kiểm tra không đo nữa. Trong thời gian tới, nêu Nhà máy có phát sinh tiếng ồn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, chúng tôi sẽ thông báo cho cơ quan chức năng biết và tiến hành đo theo yêu cầu của người dân. Do đó, Đoàn kiểm tra đã ghi nhận và thống nhất dừng lại.

Về nguồn phát sinh khí thải, lãnh đạo Sở TN&MT Phú Yên cho biết: Chủ yếu phát sinh từ hoạt động lò hơi (công suất 2 tấn/giờ), thu gom và xử lý bằng phương pháp hấp thụ nước, sau đó được thải ra ngoài qua ông khói cao 12m. Kết quả lấy mẫu giám sát định kỳ của công ty trong quý I/2017, các thông số khí thải đều đạt quy chuẩn cho phép.

Trước đó, ngày 16/8/2016, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần Pymepharco, kết quả các thông số đo đạc phân tích khí thải đều đạt quy chuẩn cho phép.

Trao đổi lại với các hộ dân, họ cho rằng báo cáo của Sở TN&MT là thiếu khách quan, không minh bạch vì kiểm tra theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”? “Họ không biết nỗi khổ của hàng chục hộ dân chúng tôi nhiều năm trời phải nghe tiếng ồn hàng đêm cùng với mùi khi thải khó chịu. Mong ước của người dân chúng tôi là UBND tỉnh phải di dời Nhà máy khỏi khu dân cư vì không thể để Nhà máy nằm trong lòng thành phố được?”, một người dân bức xúc.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã hình thành 3 khu công nghiệp (KCN) tập trung có kết cấu hạ tầng được xây dựng khá hoàn chỉnh là: KCN Hoà Hiệp, KCN An Phú và KCN Đông Bắc Sông Cầu. Song song với việc hình thành các KCN, tại các huyện đều có các cụm, điểm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với tổng quỹ đất khoảng 1.000ha, gắn kết giữa không gian sản xuất và khu dân cư đi kèm (quy mô 50÷100ha mỗi cụm, có khu nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ).

Đặc biệt, tỉnh Phú Yên đang triển khai xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên, diện tích 20 nghìn ha với các cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Câu hỏi đặt ra là tại sao không di dời nhà máy ra khỏi thành phố có tiềm năng du lịch đến các khu công nghiệp?

Nhiều câu hỏi đặt ra cho sai phạm của Pymephaco

Thiếu tướng Nguyễn Tự Lực, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên đã đặt ra nhiều câu hỏi cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên về những sai phạm của Công ty Cổ phần Pymepharco. Ông nhấn mạnh: Các dự án khác cũng “treo” nhưng lại không thu hồi, chẳng hạn dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phú Yên do Công ty Cổ phần Pymepharco làm chủ đầu tư, đã cấp phép thực hiện từ 2011 - 2013 với mức đầu tư hơn 422 tỉ đồng, quy mô 250 giường bệnh. “Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phú Yên tại sao không thu hồi vì cấp giấy chứng nhận đầu tư đã lâu, đến nay chưa động đậy gì hết. Hạng mục xây dựng trên đất có trái với giấy phép đầu tư không? Những cái đó sao không thu hồi. Nói tóm lại là không công bằng ở chỗ này”, ông Lực phản ánh.

Ông Lực cũng đề nghị kiểm tra lại việc cho thuê đất 50 năm đối với lô đất 423 Nguyễn Huệ (P.7, TP Tuy Hòa) rộng hơn 3.477m2 thu hồi từ Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long. Việc bán đấu giá này là do Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Yên (Sở TN&MT Phú Yên) và chi nhánh Công ty Cổ phần Đấu giá và dịch vụ bất động sản Thiên Việt tại Phú Yên tổ chức bán đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá lô đất này là Công ty Cổ phần Pymepharco.

Ngoài bức xúc phản ánh liên quan các dự án đã nêu, thiếu tướng Nguyễn Tự Lực còn đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên giám sát hàng loạt dự án khác trên địa bàn tỉnh này. Thiếu tướng Lực đã dẫn chứng trụ sở của Công ty Cổ phần Pymepharco tại 166 - 170 Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) xây cao tầng, lấn ra vỉa hè đúng hay sai? 

Đọc thêm