Tuyên chiến với thực phẩm bẩn

(PLO) - Những ngày này, một làn sóng tuyên chiến với thực phẩm bẩn đang được dư luận quan tâm. Đồng thời, Bộ luật Hình sự sửa đổi (bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2016) sẽ chính thức hình sự hóa đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, trước khi luật pháp được thực thi thì nhiều lỗ hổng trong quản lý chất lượng thực phẩm ở tất cả các khâu cần phải sớm có giải pháp khắc phục.
Đầu độc người dân bằng thực phẩm bẩn là tội ác.
Đầu độc người dân bằng thực phẩm bẩn là tội ác.

Những vụ “hô biến” kinh điển

Bất kì ai cũng không khỏi kinh hãi khi nghe những câu chuyện thực phẩm bẩn “điển hình” của năm 2015: hơn 2 tấn nầm heo không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, đổi màu và bốc mùi hôi thối đựng trong thùng xốp rồi trộn hóa chất trong bịch nilon chi chít chữ Trung Quốc được “hô biến” thành nầm dê để đưa lên bàn nhậu; gà được giết mổ xong sẽ được nhúng vào dung dịch giữa dầu hôi và hóa chất dạng bột màu đen, có ánh kim để biến gà trắng nhợt thành màu vàng bắt mắt… Dưới những “kĩ xảo” chế biến đầy rẫy thành phần hóa học độc hại nhằm che mắt người tiêu dùng, nhiều cơ sở chế biến thực phẩm bẩn sẵn sàng giẫm đạp lên cả nhân tính chỉ vì lợi ích trước mắt.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, năm 2015, cả nước có tới 76.000 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, 260 cơ sở bị đình chỉ sản xuất hoạt động, 700 sản phẩm bị đình chỉ lưu hành, hơn 1.900 sản phẩm bẩn bị tiêu hủy. Trong 10 tháng đầu năm 2015 đã có tới 129 vụ ngộ độc thực phẩm, 3.500 bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm và 21 người khác đã tử vong. 

Và khi nhiều người bệnh gửi niềm tin vào các loại thực phẩm chức năng đang quảng cáo “vô tiền khoáng hậu” thì cơ quan chức năng bắt giữ tới… 20 tấn thực phẩm chức năng giả và một trong những nơi chúng tuồn vào là chợ thuốc lớn nhất Việt Nam: Hapulico, Hà Nội.

Người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng bởi ngoài những con số thống kê được, những cơ sở bị đình chỉ sản xuất thì vẫn còn rất, rất nhiều những gian thương len lỏi, qua mặt được các cơ quan chức năng, buôn bán vô số những thực phẩm hôi thối đã được xử lý qua hóa chất độc hại mà không bị phát hiện.

Nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra do thực phẩm bẩn.

Nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra do thực phẩm bẩn.

Không thể chậm trễ hơn

Mỗi ngày trên cả nước có hơn 200 người tử vong vì căn bệnh ung thư, khoảng 410 ca ung thư mới được chẩn đoán phát hiện. Trong đó, ước tính khoảng 1/3 số người mắc ung thư là do chế độ ăn uống dung nạp quá nhiều hóa chất độc hại từ thực phẩm, nước uống. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh ung thư và các loại bệnh nan y khác sẽ tiếp tục gia tăng nếu Việt Nam không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng sử dụng tràn lan, bừa bãi hóa chất trong chăn nuôi và trồng trọt cũng như sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống.

Mới đây, tại TP HCM, trong báo cáo đến Thường trực Thành ủy, UBND thành phố PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh An toàn Thực phẩm đã chỉ ra nhiều hạn chế trong kiểm soát chất lượng từ nguồn thực phẩm nhập khẩu đến sản xuất trong nước.

Cụ thể, với thực phẩm nhập khẩu, hiện nay thành phố chưa có cơ chế thông tin giữa Cục Hải quan, cơ quan quản lý của bộ với chính quyền địa phương trên địa bàn. Mặt khác, những sản phẩm nhập khẩu theo đường tiểu ngạch do chưa có phòng xét nghiệm nên đơn vị kiểm soát tính an toàn chưa lường trước được trong sản phẩm có loại chất cấm gì.

Đối với mặt hàng thực phẩm trong nước, TP HCM chỉ tự cung ứng được khoảng 30% nhu cầu của người dân, 70% còn lại được nhập về từ các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, các sản phẩm rau củ quả và thủy sản được vận chuyển về thành phố vẫn chưa có quy định bắt buộc phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng.

Trong trường hợp đơn vị quản lý phát hiện lô hàng nghi ngờ chứa chất cấm sẽ rất khó xử lý do chưa có hệ thống kho để tạm giữ chờ kết quả kiểm nghiệm. Vì thế, khi có kết quả kiểm nghiệm thì hàng hóa sai phạm đã bị phân phối, tiêu thụ hết. 

Ngoài việc vận động cộng đồng “nói không với thực phẩm bẩn” TP HCM sẽ triển khai điểm mô hình cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm trực thuộc UBND thành phố. Đây được kỳ vọng là giải pháp để xóa bỏ thực trạng “cha chung không ai khóc” khi ba bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đang cùng quản lý một mâm cơm của người dân.

Mô hình của TP HCM sẽ tập hợp các nhân sự chuyên ngành có đủ năng lực và quyền hạn trong một đơn vị thống nhất, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi trồng, sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng. Bạn Thu Anh (Hà Nội) bày tỏ, giờ không biết ăn gì để mà sống nữa.

Chính phủ hô hào người Việt dùng hàng Việt, nhưng cứ cung cách buông lỏng quản lý nhà nước trong chăn nuôi gia súc gia cầm, trong chế biến nông thủy hải sản, rồi phó mặc cho tư thương mua chất kích thích của Trung Quốc về kiếm lời, đầu độc dân mình như hiện nay, hỏi làm sao mà yên tâm tiêu dùng hàng Việt đây?

Kết ngắn

Có một câu chuyện liên quan đến nụ cười. Nó “đặc biệt” bởi đó là nụ cười của một người nông dân khi thở phào, hớn hở khoe với người nhà: “May quá, giải quyết được con lợn ấy rồi. Tí thì mất hết”. Con lợn của ông bị bệnh lở loét, tai xanh gần chết, nhưng ông vẫn “nhanh chân” bán được cho gã đồ tể, dù giá chỉ còn một nửa. Rất nhiều người Việt sẽ hân hoan kiểu như vậy khi đẩy thành công những tội nợ của mình cho người khác. Và đó là nỗi ám ảnh không của riêng ai, khi chính người dân chúng ta đang tự hủy hoại lẫn nhau...

Đọc thêm