Tỷ lệ xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chưa cao

(PLVN) - Sáng 25/3, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN. 
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày cáo cáo tại Quốc hội.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày cáo cáo tại Quốc hội.

Theo đó, trong nhiệm kỳ, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra; báo cáo 2 vụ việc để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của QH, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, KTNN đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do QH thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ủy ban TCNS cũng lưu ý một số vấn đề như: 100% báo cáo tài chính của các bộ, cơ quan trung ương và Báo cáo quyết toán các địa phương được kiểm toán thường xuyên hàng năm theo quy định; tỷ lệ thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính tăng song vẫn còn nhiều kiến nghị chưa được thực hiện (bình quân đạt 73,6%).

KTNN cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp cụ thể để xử lý triệt để. Trường hợp cần thiết cần kịp thời kiến nghị đề xuất phương án xử lý  với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xử lý.

Ngoài ra,  KTNN cần đa dạng các hình thức công khai theo quy định của Luật KTNN, nhất là công khai kết quả kiểm toán các cuộc kiểm toán, công khai kết quả kiểm toán trên trang thông tin điện tử của KTNN… 

Đọc thêm