Ưu đãi “khủng” cho tham vọng tự sản xuất chip điện tử

(PLO) - Tin từ Bộ Công Thương cho hay, Thủ tướng đã chấp thuận một “gói” chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho dự án Nhà máy sản xuất vi mạch (chip điện tử) do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư – dự án sản xuất vi mạch đầu tiên của Việt Nam.
Công nhân làm việc trong một nhà máy công nghệ cao tại TP.Hồ Chí Minh
Công nhân làm việc trong một nhà máy công nghệ cao tại TP.Hồ Chí Minh
3.200 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi
Theo đó, đây sẽ là dự án thực hiện Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2010 theo Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP.Hồ Chí Minh được giao tổ chức thẩm định và phê duyệt dầu tư dự án theo thẩm quyền.
Đáng chú ý, dự án được vay đến 60% tổng mức đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam; được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án và được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu dùng để sản xuất, chế tạo vi mạch trong thời gian 05 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất. 
Thiết bị, vật tư trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ của dự án theo danh mục thiết bị, vật tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo; được áp dụng thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm và được kéo dài đến 30 năm khi dự án triển khai đạt hiệu quả cao. 
Theo Ban Chỉ đạo Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao (Bộ Công Thương), với vị thế là dự án sản xuất vi mạch đầu tiên của nước ta, dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn và tạo động lực cho ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam. 
Khi đi vào hoạt động, các sản phẩm vi mạch điện tử của dự án sẽ cung cấp sản phẩm cho ngành công nghiệp hỗ trợ, không những đáp ứng nhu cầu thay thế nhập khẩu của thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử. 
Theo các thông tin ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng. Như vậy, với việc Thủ tướng cho phép được vay tín dụng đầu tư phát triển đến 60% tổng mức đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, số vốn dự án được hưởng lãi suất ưu đãi đã lên đến 3.200 tỷ đồng. 
Từ “Made in Viet Nam” đến “Product of Viet Nam”
Tuy nhiên, nhiều chính sách ưu đãi khác mà trước đó chủ đầu tư đề nghị không thấy được Thủ tướng đề cập. Chẳng hạn như việc cho phép Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn được nộp chậm trong thời hạn một năm 60% thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2015 (1.501 tỷ đồng) để có nguồn vốn đầu tư triển khai dự án trong giai đoạn đầu, sau khi dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam giải ngân nguồn vốn tín dụng phát triển, chủ đầu tư sẽ hoàn trả lại ngân sách nhà nước. 
Liên tục trong thời gian gần đây, có nhiều chỉ dấu cho thấy sự lạc quan về ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Trong đó đáng kể là sự dịch chuyển sản xuất của hai tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc là Samsung và LG sang nước ta. 
Mới nhất hôm 19/5, tại Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Samsung Electronics vừa tổ chức Lễ khởi công xây dựng Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Dự kiến đi vào hoạt động từ quý 2/2016, SEHC sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm TV cao cấp như SUHD TV, Smart TV, LED TV… 
Cũng tại thành phố mang tên Bác, nhà máy chip trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn Intel nhiều năm qua đã xuất khẩu sản phẩm “Made in Viet Nam” (sản xuất tại Việt Nam) ra toàn cầu. Đây là nhà máy lắp ráp lớn nhất trong tổng số 167 nhà máy và 572 trụ sở ở 63 nước của Intel trên toàn cầu. Hy vọng, rồi đây chip diện tử “Product of Viet Nam” (sản phẩm của Việt Nam) cũng sẽ thành công.

Đọc thêm