Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Việc triển khai thu phí ETC “chậm tiến độ, thiếu cạnh tranh”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng (ETC) với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước đến nay bị đánh giá là chậm, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch so với yêu cầu đặt ra.  
Triển khai hệ thống ETC vẫn chậm trễ khi một số nhà đầu tư BOT vẫn không đồng thuận. (Ảnh minh họa)
Triển khai hệ thống ETC vẫn chậm trễ khi một số nhà đầu tư BOT vẫn không đồng thuận. (Ảnh minh họa)

Phản ứng tiêu cực từ nhà đầu tư BOT 

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) vừa có Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. 

Theo đó, tính đến nay, việc triển khai các trạm thu phí ETC với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước đã cơ bản hoàn thành với 87 trạm thu phí. 

Dù đã được quan tâm chỉ đạo, tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng vẫn chậm hơn hai năm so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân là do tổ chức thực hiện chưa hợp lý, chưa đúng tinh thần “bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí” quy định tại Nghị quyết 437, dẫn đến chưa nhận được sự đồng thuận từ phía các nhà đầu tư BOT. 

Cơ quan chức năng bị đánh giá là đã ban hành một số quy định chưa hợp lý mang tính chất bắt buộc như việc bàn giao trạm thu phí, ký kết hợp đồng giữa cơ quan nhà nước, nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC… chưa bảo đảm được sự bình đẳng giữa các đối tác tham gia ký kết hợp đồng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, làm giảm niềm tin ở các nhà đầu tư. 

“Nếu không kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư khai thác hệ thống ETC sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thu phí của dự án, ảnh hưởng quyền lợi, nghĩa vụ của DN và người dân. Do đó, nếu không khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập về thực hiện thu phí ETC hiện hành sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn xã hội vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông sắp tới”, UBKT nêu.

Đáng chú ý, năm 2016, Bộ GTVT đấu thầu dự án BOO1 (có 44 trạm thu phí) và chỉ có duy nhất một nhà đầu tư tham gia và trúng thầu là Cty TNHH thu phí tự động VETC. Sau đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng ban hành Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017, yêu cầu chậm nhất  31/12/2018, các nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho nhà đầu tư ETC để thực hiện thu phí không dừng. Báo cáo của UBKT cho thấy, nhiều nhà đầu tư BOT đã phản ứng gay gắt, không bàn giao trạm thu phí vì vi phạm hợp đồng đã ký kết giữa cơ quan nhà nước thẩm quyền và nhà đầu tư BOT, dẫn đến công tác triển khai thu phí không dừng bị chậm trễ.

Tiếp đó, trên cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm, tháng 5/2019, Bộ GTVT đấu thầu rộng rãi lựa chọn được nhà đầu tư là Cty CP Giao thông số Việt Nam VDTC thực hiện dự án BOO2 (có 33 trạm thu phí). Sau đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng ban hành Quyết định 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020. Lúc này tuy không bắt buộc nhà đầu tư BOT phải bàn giao trạm thu phí nhưng việc triển khai hệ thống ETC vẫn chậm trễ khi các nhà đầu tư BOT vẫn không đồng thuận vì cho rằng một số quy định chưa hợp lý, gây thiệt hại và bất bình đẳng với các nhà đầu tư BOT.

Chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên

Theo UBKT, việc không có hướng dẫn cụ thể về căn cứ, cơ sở tính toán tỷ lệ trích doanh thu thu phí nên nhà đầu tư BOT hoàn toàn bị động và chịu sức ép thời gian phải triển khai thu phí không dừng từ phía cơ quan nhà nước, dẫn đến một số nhà đầu tư BOT không thống nhất, chưa đồng ý ký kết hợp đồng để triển khai. 

Ngoài ra, theo Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, toàn bộ số tiền thu được tại mỗi trạm thu phí điện tử không dừng sẽ được nhà cung cấp dịch vụ ETC hoàn trả cho nhà đầu tư BOT để đảm bảo hoàn vốn theo quy định tại hợp đồng dự án sau khi trừ đi chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng. 

Quy định này được cho là đang quá ưu tiên việc hoàn vốn cho các nhà cung cấp dịch vụ ETC trước các dự án BOT, tạo ra sự thiếu hợp lý, gây rủi ro với việc quản lý dòng tiền hoàn vốn của dự án BOT cho nhà đầu tư BOT và ngân hàng cho vay dự án, cũng như không phản ánh đúng bản chất hợp đồng BOT đã ký kết giữa nhà đầu tư BOT và cơ quan nhà nước thẩm quyền.

“Việc đầu tư hệ thống ETC cũng làm tăng chi phí vận hành và kéo dài thời gian hoàn vốn của các dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến phương án tài chính và kéo dài thời gian hoàn vốn của các dự án BOT, ảnh hưởng đến các quyền lợi, nghĩa vụ của các doanh nghiệp và người dân, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong đàm phán hợp đồng dịch vụ giữa các nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC”, UBKT nhận định. 

Từ kết quả giám sát, UBKT kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập liên quan đến dịch vụ thu phí không dừng, bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng. Đồng thời chỉ đạo thanh tra, kiểm toán, về việc triển khai thực hiện các dự án BOO nhằm bảo đảm minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong quản lý các dự án. 

UBKT cũng kiến nghị thực hiện nghiêm túc thu phí tự động không dừng, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, xây dựng lộ trình, tuyên truyền và có cơ chế, chính sách để các phương tiện thực hiện dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí không dừng; chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với Bộ GTVT để kết nối hệ thống dữ liệu, giam sát nguồn thu tương ứng với lưu lượng phương tiện giao thông qua các trạm thu phí không dừng để giám sát quá trình thu hồi vốn cũng như nghĩa vụ nộp thuế của các nhà đầu tư.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ xe dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí không dừng hiện nay còn thấp, chỉ khoảng 30% (đạt 1,2 triệu/4 triệu xe), trong đó chỉ khoảng 50% tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng; nên chưa phát huy được tối đa hiệu quả của hệ thống thu phí ETC.

Đọc thêm