VAFI tiếp tục chất vấn con đường thăng tiến của con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương

(PLO) - Thay mặt Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI ngày hôm qua (15/6), tiếp tục chất vấn vụ việc lùm xùm liên quan đến con đường thăng tiến của con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lỗ từ thời điểm nào?

Theo VAFI, nguồn tin để đánh giá ông Vũ Quang Hải làm thua lỗ hơn 220 tỷ đồng tại PVFI là căn cứ vào báo cáo tóm tắt đăng trên trang web của PVFI. “PVFI là công ty đại chúng phải tuân thủ chế độ công bố thông tin theo pháp luật về chứng khoán, nhưng từ khi PVFI thành lập tới nay, thông tin về tình hình hoạt động, tình hình tài chính là rất ít, đặc biệt là 4 năm gần đây PVFI vi phạm nghiêm trọng chế độ công bố thông tin theo pháp luật chứng khoán. Ông Vũ Quang Hải và các giám đốc, Chủ tịch HĐQT của PVFI phải chịu xử phạt hành chính theo qui định pháp luật về công bố thông tin”- đại diện VAFI khẳng định. 

Về phản hồi từ ông Vũ Quang Hải cho rằng PVFI đã xảy ra lỗ lớn từ trước thời điểm ông về công tác tháng 1/2011, tức là tiến trình lỗ xảy ra từ các năm trước, đại diện VAFI cho biết trên trang web của PVFI, phần giới thiệu lịch sử PVFI có diễn tả rằng PVFI đã kinh doanh có lãi khoảng 100 tỷ đồng trong 3 năm 2007, 2008, 2009. “Vậy đâu là thông tin đúng, thông tin sai theo lời ông nói? Nếu ông nói đúng, sao không cho sửa chữa thông tin để tránh ngộ nhận cho người đầu tư? Những thông tin mà ông nói ra không có trên trang web và không có báo cáo kiểm chứng...”, VAFI chất vấn.

Điều đáng nói là ông Vũ Quang Hải về PVFI để cứu doanh nghiệp này, tuy nhiên VAFI đặt vấn đề: “Sao ông Vũ Quang Hải không ở lâu cho PVFI thật sự khỏe mạnh rồi mới đi thì lý lịch về bản thân sẽ tốt lên không? Sau khi ông đi thì nhiều cán bộ chủ chốt cũng đi theo và đến bây giờ mọi người không biết được tình hình tài chính thật sự của PVFI ra sao...”.

Nhiều dấu hiệu “hở”

Về thời gian công tác tại Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), đại diện VAFI cũng chỉ ra một loạt mâu thuẫn khi ông Hải nói rằng ông về Cục không theo ngạch công chức nhà nước, tuy nhiên trong thời gian này ông Hải được bổ nhiệm làm Kiểm soát viên tài chính ở Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam. “Thông thường khi người ta bổ nhiệm Kiểm soát viên tài chính ở Bộ cho các Tập đoàn nhà nước trực thuộc Bộ, họ thường chọn công chức đang làm việc tại các Vụ, Cục có chức năng quản lý nhà nước với Tập đoàn Tổng Công ty nhà nước, như Vụ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ hay Vụ quản lý chuyên ngành; còn việc chọn ông Vũ Quang Hải từ Cục XTTM có vẻ như không đúng chức năng quản lý lắm vì Cục XTTM đâu có chức năng quản lý vốn hay nhân sự cho TCty Thuốc là Việt Nam ? Có lẽ việc bổ nhiệm này là không vì mục tiêu quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ?”- đại diện VAFI phân tích.

VAFI cũng cho rằng ông Vũ Quang Hải chưa có đóng góp gì cho Cục mà lại được nâng hạng là hàm Phó Vụ trưởng trong khi rất nhiều người phải mất rất nhiều năm mới được lên chức này.

Đáng chú ý, giai đoạn ở Sabeco, ông Vũ Quang Hải nói rằng không phải đại diện vốn nhà nước tại Sabeco mà là người đi làm thuê cho Sabeco. Thế nhưng, trong Quyết định 1288/QĐ-BCT ngày 4/2/2015 do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký lại thể hiện là một quyết định điều động cán bộ công chức là ông Vũ Quang Hải với hàm Phó Vụ trưởng, Bộ Công Thương đến nhận công tác tại Sabeco. Đáng chú ý, trong quyết định này còn hàm chứa Nghị quyết 20-NQ/BCSĐ ngày 19/11/2014 của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về phương án luân chuyển, điều động, đề bạt cán bộ lãnh đạo giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

“Những văn bản trên thể hiện rằng ông là cán bộ lãnh đạo Bộ Công Thương về Sabeco làm lãnh đạo nhưng Vũ Quang Hải không đủ tiêu chuẩn làm đại diện vốn nhà nước, từ đó nói rằng việc ra đời các văn bản trên là không đúng Luật hiện hành”, đại diện VAFI khẳng định.

Không dừng ở việc phân tích những mâu thuẫn trong giải trình của con trai nguyên Bộ trưởng, đại diện VAFI còn tiếp tục chất vấn vì sao trong 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa lại chậm được bàn giao cho SCIC, như Sabeco,Habeco”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không quan tâm đến chuyện niêm yết, dẫn tới nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ cũng trốn tránh việc niêm yết, từ đó dẫn tới tình trạng nhà đầu tư mất tin tưởng vào tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước bị thất thu rất nhiều do rủi ro về việc trốn tránh niêm yết…”, đại diện VAFI khẳng định.

Trao đổi với Báo Tiền phong, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định việc bổ nhiệm con trai (ông Vũ Quang Hải) và thư ký (ông Võ Thanh Hà) không phải ông đề xuất mà là do Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy cơ quan Bộ đã xem xét theo đúng quy trình. Ông khẳng định ông Vũ Quang Hải cũng không phải là người đại diện vốn nhà nước tại Sabeco.

Về cổ phần hóa Sabeco, kể cả Habeco, ông Hoàng cho biết, thực tế, từ năm 2012- 2013, Bộ liên tục có đề án gửi Chính phủ xin được thoái vốn nhà nước tại hai Tổng Công ty này. Nhưng do bia là lĩnh vực nhạy cảm, giá trị cổ phần tương đối lớn, thu hút sự quan tâm của công chúng và Chính phủ có chỉ đạo không được để mất vốn, phải giữ được hai thương hiệu quốc gia này.

Đọc thêm