Vận tải dầu khí: Một năm “đi biển” đầy khó khăn

(PLVN) - Vận tải biển và vận tải dầu khí năm qua bị ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu vận chuyển thấp, giá cước các phân khúc tàu sụt giảm, thị trường ngày càng thu hẹp và phát sinh nhiều chi phí liên quan cho các chủ tàu.
80% đội tàu PVTrans hiện đang hoạt động ở nước ngoài.
80% đội tàu PVTrans hiện đang hoạt động ở nước ngoài.

Khách hàng truyền thống gặp khó 

Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans- đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) vừa tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2020 và thông báo nhiều thông tin về kết quả hoạt động sản xuất trong năm qua.

Nhiều người không khỏi bất ngờ khi năm 2020 đầy biến động, nhiều khó khăn nhưng đơn vị vận tải của ngành Dầu khí vẫn đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng.Theo đó, năm 2020, PVTrans đạt doanh thu trên 7.200 tỷ đồng, vượt 117% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 935 tỷ; được Vietnam Report xếp hạng nhất trong 10 doanh nghiệp Logistics Việt Nam. 

Ông Phạm Việt Anh - Tổng Giám đốc PVTrans phân tích, năm 2020, nền kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng bên cạnh hàng loạt các yếu tố rủi ro như bất ổn địa chính trị, căng thẳng leo thang giữa các nền kinh tế lớn và tình hình thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, giá dầu thế giới biến động mạnh, có thời điểm giảm xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử tạo nên “tác động kép” cho ngành Dầu khí.

Vận tải biển và vận tải dầu khí cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhu cầu vận chuyển thấp, khu vực hoạt động khai thác hạn chế với nhiều yêu cầu kiểm dịch gắt gao, giá cước các phân khúc tàu đều sụt giảm, thị trường ngày càng thu hẹp và phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan cho các chủ tàu.

Tại thị trường nội địa, do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, LPG giảm mạnh, các nhà máy lọc dầu trong nước như Dung Quất, Nghi Sơn và các đầu mối kinh doanh xăng dầu luôn trong tình trạng hàng tồn kho cao, buộc phải giảm công suất hoạt động hoặc tạm gián đoạn kinh doanh. Hầu hết các khách hàng của PVTrans như BSR, PVOIL, PV GAS, PVEP... đều khó khăn.

Trước tình hình đó, PVTrans đã chủ động triển khai một loạt các giải pháp, chủ động cập nhật tình hình thị trường, đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, dự báo dòng tiền từ đó xây dựng các phương án, kịch bản điều hành cụ thể để ứng phó kịp thời và tận dụng bắt đáy đầu tư khi có cơ hội.

Những thành tựu PVTrans đã đạt được trong năm 2020 là sự nhạy bén với thị trường khai thác, ngoài thị trường truyền thống trong nước PVTrans đã tiếp tục tập trung mở rộng khai thác ở thị trường quốc tế với 80% đội tàu PVTrans đang hoạt động ở nước ngoài. Dòng tiền và các chỉ số tài chính được đảm bảo; Duy trì công tác đảm bảo an toàn trong lao động và sản xuất, đặc biệt quan tâm đến công tác thuyền viên trong mùa dịch...

Ngoài ra, PVTrans cũng triển khai quyết liệt việc tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp thông qua việc tối ưu hóa lại cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý, phân công lại lao động để góp phần tăng năng suất hiệu quả công việc, cắt giảm chi phí, giãn tiến độ những dịch vụ chưa thực sự cấp bách; cải tiến rút ngắn quá trình sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị và xây dựng phương án cấp phát vật tư, phụ tùng hiệu quả, đảm bảo tiết giảm chi phí trong điều kiện bình thường mới.

Sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đối tác 

Đại diện PVTrans cho biết, trong năm 2020, đơn vị đã tích cực tăng cường hợp tác, chia sẻ khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 với các đơn vị trong PVN nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực để cùng nhau vượt khó. PVTrans đã điều chỉnh giảm giá tương đương khoảng 150 tỷ đồng cho các khách hàng trong ngành như BSR, PVEP, PV OIL, PV GAS.

“Với sự nỗ lực của toàn Tổng Công ty, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong năm 2020. PVTrans đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách ước đạt 335 tỷ đồng, tương đương 122% kế hoạch năm”, lãnh đạo PV Trans nói.

Ông Nguyễn Hùng Dũng – Thành viên HĐTV PVN đã biểu dương, ghi nhận những kết quả nổi bật mà PVTrans đã đạt được trong năm 2020 đầy khó khăn, thách thức.

Đồng thời, ông cũng đề nghị, năm 2021, PVTrans cần tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, thường xuyên cập nhật các kịch bản và đề xuất giải pháp sẵn sàng ứng phó với biến động của thị trường; bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tình hình tài chính, quản trị dòng tiền đảm bảo ổn định. Tăng cường công tác quản trị rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng các biện pháp để giảm thiểu các tổn thất có thể xảy ra. 

Đọc thêm