Vì sao Bộ Công Thương dự báo nhập siêu trong năm 2019?

(PLVN) - Sau 3 năm liên tục xuất siêu, Bộ Công Thương dự kiến năm 2019 sẽ nhập siêu 3 tỷ USD. Đây là thông tin khiến dư luận hết sức ngạc nhiên…
Kim ngạch xuất khẩu 2019 sẽ không “cõng” được con số nhập khẩu?
Kim ngạch xuất khẩu 2019 sẽ không “cõng” được con số nhập khẩu?

Xuất siêu đạt con số kỷ lục

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu (NK) năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017; Thặng dư thương mại năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm 2018 cao gấp hơn 3 lần so với năm trước

Một trong những nguyên nhân tác động đến kết quả ấn tượng nêu trên là thị trường xuất khẩu (XK) được mở rộng. Đánh giá chung cho thấy tất cả các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng XK cao so với thời điểm trước khi có FTA như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc - New Zealand.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp và khó đoán định, đặc biệt là những diễn biến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng... thì mức tăng trưởng XK của năm 2018 là rất tích cực. Trong đó, đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. 

Quy mô các mặt hàng XK tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm. Thống kê cho thấy, năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, năm 2015 đã tăng lên 23 mặt hàng. Đến năm 2018, số lượng mặt hàng XK tỷ USD đã lên đến 29 (trong đó có 8 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD). 

Dư luận kỳ vọng, dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2018 nhưng thặng dư thương mại vẫn tăng ở mức kỷ lục thì năm 2019 với những cơ hội từ Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), chắc chắn con số XK sẽ đạt một mốc mới và Việt Nam sẽ tiếp tục đà thặng dư thương mại ở mức cao. 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo XK năm 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8-10% so với năm 2018; NK khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD.

Vì sao nhập siêu?

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, XK năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh (sau những cải cách mạnh mẽ của năm 2018), những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo thúc đẩy SX, tạo thêm nguồn hàng cho XK. 

Ngoài ra, việc CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất (SX) mới. Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực SX mới.

Nhưng theo vị đại diện này, XK năm 2019 sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU... có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều. 

Nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng cũng là một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi nhiều nước tham gia cung ứng nông sản. Đồng thời, các nước cũng đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy SX, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK hàng hóa nông sản, thủy sản. 

Một nguyên nhân khác cũng được nhắc tới là việc các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như Ủy ban châu Âu xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản NK, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp, nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...

Trong khi đó, dự báo năm 2019, giá XK nông sản khó có xu hướng ổn định như năm 2018, do vậy, giá không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng XK. Cộng thêm việc nhiều mặt hàng nông, thủy sản, do hạn chế về diện tích đất canh tác và nuôi trồng nên khả năng tăng sản lượng gặp nhiều khó khăn nếu không đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong SX. 

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến Bộ Công Thương dự báo khả năng nhập siêu 3 tỷ trong năm 2019 là việc nhu cầu NK dự kiến tăng cao, đặc biệt là ở những ngành hàng mà Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện, phụ tùng của nước ngoài. 

Ngoài ra, dự báo năm 2019 và các năm tiếp theo, với việc thực thi CPTPP hay EVFTA sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do vậy, việc NK công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho SX sẽ gia tăng. Điều này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ đang xuất siêu sang nhập siêu. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Công Thương đặt mức nhập siêu dưới 2% trong năm 2019 là không thể chấp nhận được sau 3 năm liên tục xuất siêu với con số ấn tượng. Trước ý kiến của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tiếp thu và trình bày, kế hoạch đã đặt ra rồi nên Bộ xin không sửa nữa nhưng mục tiêu của ngành vẫn luôn cố gắng vượt trên kế hoạch đã đặt ra.

Đọc thêm