Vì sao Dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 khó đạt chỉ tiêu “nội địa hóa”?

(PLO) - Với tỷ lệ 80% các gói thầu rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài như hiện nay thì liệu nhà máy có đạt tỷ lệ nội địa hóa “không dưới 50%” như yêu cầu?.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đang được triển khai thi công
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đang được triển khai thi công
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (huyện Châu Thành - Hậu Giang) là một trong 3 nhà máy nhiệt điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước các thiết bị và đặt ra yêu cầu “bảo đảm tỷ lệ giá trị thiết bị chế tạo do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện không dưới 50%”. 
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 gồm 2 tổ máy có tổng công suất 1.200 MW với tổng mức đầu tư trên 43.000 tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí (VPN) làm chủ đầu tư, Tổng Cty Lắp máy (Lilama) làm tổng thầu. Việc triển khai thực hiện dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong giai đoạn xây dựng và hàng trăm lao động trong giai đoạn vận hành.
Chỉ tiêu do Thủ tướng giao, thực hiện ra sao? 
Nhưng đến nay, sau 5 tháng khởi công thì hầu hết các gói thầu lớn đều đã rơi vào tay người nước ngoài, có dấu hiệu đi ngược lại với chủ trương “nội địa hóa” của Chính phủ. Tại báo cáo ngày 24/9/2015 của đơn vị chức năng Bộ Công Thương gửi lãnh đạo Bộ này cũng thừa nhận, tỉ trọng phần gia công trong nước mà các doanh nghiệp trong nước thực hiện  so với mục tiêu là theo Quyết định 1791/QĐ-TTg về tỉ lệ giá trị thiết bị chế tạo do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện là rất thấp”. 
Trước tình cảnh này, một số doanh nghiệp cơ khí trong nước cũng khá bức xúc vì cho rằng họ có khả năng cung cấp một số thiết bị nội địa hoá cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 nhưng lại bị gạt ra ngoài.
Liên quan đến việc này, ngày 2/10, trao đổi với PV, ông Đào Phan Long- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng thừa nhận có tới 80% gói thầu đã rơi vào tay người nước ngoài mà cụ thể là Doanh nghiệp Doosan Vina do người Hàn Quốc làm chủ. Ngoài ra, ông Long cũng cho biết: “Dự án xây dựng nhà máy chưa đâu vào đâu và còn nhiều chuyện lùm xùm”.
Ông Đào Phan Long cho biết, cách đây gần 3 năm, Ban lãnh đạo VAMI đã triệu tập 7 doanh nghiệp thành viên bàn việc trình bày với Chính phủ tạo điều kiện để cơ khí Việt Nam được tham gia chế tạo những thiết bị cơ khí chất lượng cao. 
Trên cơ sở kiến nghị của VAMI, ngày 29/11/2012 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1791/QĐ- TTg về việc “Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012- 2025, trong đó nêu một danh sách gồm 10 doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện.
Lý giải về việc tại sao VAMI không triệu tập các thành viên để cùng xây dựng kiến nghị lên Thủ tướng và lập danh sách các doanh nghiệp cơ khí là thành viên Hiệp hội có thể chế tạo thiết bị nhà máy điện, ông Long cho biết: “VAMI không phải họp tất cả thành viên, Thường trực chúng tôi mời những doanh nghiệp đã có năng lực và từng làm về nhiệt điện mặc dù chỉ là thầu phụ và Hiệp hội chúng tôi chỉ mời những ông có đóng dấu tình nguyện tham gia, tình nguyện kiến nghị chính sách với Nhà nước, chứ không phải là chúng tôi mời tất cả thành viên Hiệp hội”. 
Narime cần để cơ hội cho các doanh nghiệp khác?
Tuy nhiên, tới đây VAMI sẽ không còn được “độc quyền” đề xuất các doanh nghiệp có khả năng chế tạo thiết bị nhà máy điện nữa bởi tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Quyết định 1791 của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức đoàn công tác đi khảo sát thực tế để có báo cáo, trong đó có việc đề xuất bổ sung các doanh nghiệp cơ khí khác có năng lực, trình Thủ tướng xem xét bổ sung, điều chỉnh Quyết định 1791/QĐ-TTg.
Thông tin trên được khá nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước hồ hởi đón nhận và mong muốn được lọt vào danh sách các doanh nghiệp được phép thực hiện cơ chế thí điểm thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện. 
Việc này sẽ góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu đặt ra trong Quyết định 1791/QĐ- TTg là “tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước. 
Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp còn băn khoăn bởi nếu có lọt được vào danh sách thì liệu có được giao thầu hay chỉ “ngồi chơi xơi nước”.
Đơn cử như thời gian qua, ở Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) được “ôm” khá nhiều việc, vừa được giao “tư vấn thiết kế chế tạo cơ khí” vừa được giao “tham gia thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện”. 
Thế nhưng, theo Hồ sơ năng lực chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện của Narime số 694/TMT-NCCK trình  Bộ Công Thương ngày 7/8/2015 thì bộ phận sản xuất của Narime chỉ có 25 lao động gồm: 10 thợ hàn, 4 thợ gia công cơ khí, 10 thợ lắp đặt, 1 thợ điện; danh mục máy móc và trang thiết bị phục vụ sản xuất hiện có được 13 máy công cụ thì 8 cái có từ thời Liên Xô… Không hiểu sao, Narime có thể thực hiện chế tạo thiết bị cơ khí với tổng doanh thu năm 2014 lên tới trên 740 tỉ đồng nhưng lợi nhuận (sau thuế) chỉ đạt hơn 11,7 tỉ đồng? 
Trong khi đó, thực tế đã có nhiều DN cơ khí đã thực hiện đầu tư chiều sâu hàng trăm tỉ đồng thiết bị, máy móc và có lực lượng nhân lực hùng hậu hàng nghìn kỹ sư, công nhân kỹ thuật vẫn không được tham gia chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện.

Đọc thêm