Vì sao hợp tác xã nông nghiệp chưa phát triển như kỳ vọng?

(PLO) - Sau 5 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012, chỉ có 33% hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Vậy đâu là nguyên nhân khiến phần lớn các HTX còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động theo Luật? 
Xã viên HTX Nông nghiệp Evergrowth phải bán bò, ra khỏi HTX vì những quy định của UBND tỉnh Sóc Trăng.
Xã viên HTX Nông nghiệp Evergrowth phải bán bò, ra khỏi HTX vì những quy định của UBND tỉnh Sóc Trăng.

33% HTX nông nghiệp hoạt động khá, tốt 

Khác với mô hình cũ, HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 hoạt động nhằm tập trung mục đích mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên. 

Năm 2020, phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả 

Tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án).  Để đạt được mục tiêu này, Đề án đặt mục tiêu cần phải tập trung thực hiện duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của khoảng 4.400 HTX nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017; thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để có trên 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp yếu, kém, phấn đấu có trên 5.400 HTX nông nghiệp trong tổng số hơn 6.400 HTX nông nghiệp yếu kém hiện nay hoạt động hiệu quả; thành lập mới và tạo điều kiện cho 5.200 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX đã ngừng hoạt động. Năm 2018, giải thể xong các HTX đã ngừng hoạt động.

Cả nước hiện có 21 liên hiệp, 10.726 HTX nông nghiệp trên tổng số 19.569 HTX với hơn 3,9 triệu thành viên HTX nông nghiệp (bình quân 1 HTX nông nghiệp có 376 thành viên). Tổng số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp là 12.413 tỉ đồng, bình quân 1,26 tỉ đồng/HTX. Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, sau 5 năm triển khai thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có 625 HTX đã chuyển đổi hình thức hoạt động sang loại hình khác và 2.636 HTX giải thể, 820 HTX chờ giải thể, trong đó có nhiều HTX nông nghiệp. 

HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 đang là mô hình kinh tế phù hợp, giúp nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và duy trì sinh kế bền vững. Về hiệu quả hoạt động, theo đánh giá, phân loại của các địa phương, cả nước có 33% HTX nông nghiệp đang hoạt động xếp loại khá, tốt.

Trong thời gian qua, đã xuất hiện hàng trăm HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng (như: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Anh Đào Lâm Đồng; HTX Evergrowth Sóc Trăng; HTX Bò sữa Tân Thông Hội TP. Hồ Chí Minh, HTX Quý Hiền (tỉnh Lào Cai), HTX Ỷ La (tỉnh Tuyên Quang)... Đây là những mô hình HTX kiểu mới làm ăn có hiệu quả cần được nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng. 

Tuy nhiên, thực trạng chung là phần lớn các HTX đều thiếu vốn, thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Số HTX liên kết còn ít. Việc chủ động tìm thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm còn yếu; nhiều doanh nghiệp vẫn phải liên hệ trực tiếp với các chủ trang trại, hộ nông dân để tìm nguồn cung hàng hóa. Các HTX hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu hoạt động các dịch vụ “đầu vào”, số HTX làm dịch vụ “đầu ra” còn hạn chế. Một số HTX đã đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 nhưng chưa thực sự tổ chức và hoạt động đúng các quy định của luật. Các HTX ngừng hoạt động không thực hiện giải thể, do vướng mắc về nợ công, tài sản hoặc thất lạc hồ sơ, con dấu."

Hạn chế từ cơ chế, chính sách

Sau khi Luật HTX có hiệu lực, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách còn nhiều hạn chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tổng kinh phí hỗ trợ các HTX trong 4 năm (2013-2016) khoảng 1.069 tỉ đồng (bình quân 4,2 tỉ đồng/tỉnh/năm). Kinh phí hỗ trợ tập trung chủ yếu cho công tác đào tạo, bồi dưỡng (468,1 tỉ đồng, chiếm 43,7%), còn các chính sách khác chiếm tỉ lệ rất thấp. Tiếp cận tín dụng vẫn là nội dung khó khăn nhất của HTX nông nghiệp.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái còn không ít HTX ngừng hoạt động từ lâu nhưng không giải thể được. Trước đây xã viên HTX nông nghiệp Phan Thanh (huyện Lục Yên) góp vốn bằng 30 con trâu. Ðến nay, các xã viên cơ bản đều già yếu, nhiều xã viên đã chết, tài sản góp vốn không bàn giao lại cho người đại diện của xã viên, gặp nhiều khó khăn trong định giá tài sản nên đến giờ vẫn không giải thể được. Hoặc HTX Thành Long (xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình) đã ngừng hoạt động kéo dài nhưng vẫn không giải thể được vì nợ thuế, nợ ngân hàng, không còn tài sản, xã viên đã nghỉ hết, chủ nhiệm HTX cũng không còn ở trên địa bàn…

Ông Nguyễn Thiều Thanh Thế, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang) cho biết, theo quy định của luật, HTX phải cung ứng 70% dịch vụ của HTX cho các thành viên, tỷ lệ còn lại mới phục vụ cho các hộ sản xuất ngoài hợp tác xã. Thế nhưng, đến cuối năm 2017, số lượng thành viên của HTX Vĩnh Thạnh chỉ có 53 thành viên, trên diện tích sản xuất là 400 ha. Như vậy, tỷ lệ dịch vụ cung ứng ra bên ngoài là hơn 30%, vượt chỉ tiêu so với quy định. 

Mặt khác, theo quy định, các thành viên được góp vốn tối đa không quá 20% vốn điều lệ. Khi có ít thành viên tham gia HTX thì sẽ không đủ vốn cho HTX hoạt động. Không những vậy, nhiều HTX rơi vào vòng luẩn quẩn thiếu vốn nhưng không có tài sản là văn phòng (bất động sản) để thế chấp, không có tài sản thì lại thiếu vốn…

HTX Suối Vui (xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, Hà Giang) có 177 thành viên, chuyên thu mua, chế biến chè cổ thụ với thương hiệu chè Shan Tuyết Tùng Vài. Hiện HTX đã đăng ký thương hiệu, trên sản phẩm có vạch mã truy suất nguồn gốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Chiến-Giám đốc HTX Suối Vui, cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi rất cần vốn, để mở rộng sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã làm hồ sơ vay vốn nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được với vốn tín dụng do tài sản nhà xưởng máy móc của chúng tôi chưa đủ điều kiện để thế chấp.”.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, rất ít HTX nông nghiệp được vay vốn từ các tổ chức tín dụng. 4 năm qua, có hơn 2.300 HTX nông nghiệp được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, với số tiền 169 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới có 40/63 tỉnh, thành đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Ngoại trừ 2 thành phố có nguồn quỹ lớn là TP Hồ Chí Minh (580 tỉ đồng), Hà Nội (130 tỉ đồng) và 4 tỉnh có thành lập quỹ nhưng chưa bố trí vốn (Sơn La, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Phước), thì bình quân vốn của mỗi tỉnh chỉ có 12,16 tỉ đồng. Điều này cho thấy, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn rất hạn hẹp.

Ngoài ra là những rào cản từ địa phương. HTX Nông nghiệp Evergrowth gây dựng được 742 thành viên đang nuôi bò ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, hằng ngày cung cấp cho trạm thu mua của HTX gần 10 tấn sữa. Thế nhưng từ năm 2016, UBND tỉnh Sóc Trăng có công văn đồng ý cho doanh nghiệp tư nhân Tân Tài Lộc là đơn vị đứng ra thu mua sữa cho Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tại huyện Mỹ Xuyên. Công ty này lúc đầu mua giá 14.000 đồng chỉ được một thời gian ngắn thì ép mua 7.000-8.000 đồng/kg. Thua lỗ, nhiều hộ dân trong xã đã bán bò, lên Bình Dương làm thuê. Sau đó, theo chỉ đạo của tỉnh, HTX Evergrowth đã chi ra 6,5 tỉ đồng làm thủ tục ra khỏi HTX cho 742 thành viên và liên tục bị thanh tra, kiểm tra từ năm 2017 đến nay dù “không phát hiện điều gì bất thường, HTX chấp hành tốt các quy định của Luật HTX”. 

Ông Nguyễn Văn Đoàn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, hạn chế

Hiện nay, nhiều HTX hoạt động không hiệu quả do cơ chế, chính sách, pháp luật có những bất cập, tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Về pháp luật, cơ chế, chính sách, một số quy định còn chưa được hướng dẫn cụ thể, như: Xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể HTX; Hướng dẫn chuyển đổi HTX sang các loại hình tổ chức khác; Hướng dẫn thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX; Công tác kiểm toán HTX…Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ HTX thực hiện chưa thực sự hiệu quả, tính khả thi không cao. Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã, quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX, nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều, có chính sách hầu như chưa thực hiện được.

Các chính sách hỗ trợ cho HTX chủ yếu được lồng ghép trong các chính sách chung. Một số chính sách riêng cho HTX (Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX nông nghiệp...) không có nguồn vốn, phải lồng ghép trong các chương trình khác (Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững...). Vì vậy, số lượng HTX được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế.

Thời gian ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2012 kéo dài và phải điều chỉnh, nên quá trình triển khai thực hiện Luật gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền phổ biến về Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao dẫn đến nhận thức về pháp luật HTX chưa thống nhất v.v... 

Ngoài ra, việc phổ biến, nhân rộng mô hình HTX hoạt động hiệu quả chưa được triển khai rộng rãi, giúp cho người dân tin tưởng vào các lợi ích về kinh tế - xã hội do HTX mang lại. Nhiều HTX chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, một số vẫn hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”.

Đọc thêm