Vì sao Mỹ - EU 'hưu chiến' xung khắc thương mại?

(PLO) - Chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker đã đưa lại kết quả bất ngờ là đạt được sự nhất trí giữa Mỹ và EU về giải pháp cho cuộc xung khắc thương mại hiện tại giữa hai bên. 
Ông Juncker trong một cuộc nói chuyện với ông Trump.
Ông Juncker trong một cuộc nói chuyện với ông Trump.

Trước khi ông Juncker đến Mỹ, Bộ trưởng tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã cho giới truyền thông biết là ông Juncker đem theo “đề nghị hòa giải mới của EU”; trong khi phía EU quả quyết là EU không có đề nghị gì mới và ông Juncker sang Mỹ để thương thảo sòng phẳng và bình đẳng với Mỹ. 

Sau cuộc trao đổi với nhau, ông Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố những nội dung chính mà hai bên đã nhất trí được với nhau. Cụ thể gồm những điểm sau đây: Mỹ và EU cùng hướng tới mục tiêu “không còn thuế quan, không còn rào cản thương mại và không bù trợ gì nữa cho tất cả các hàng hoá công nghiệp, trừ ô tô”; EU sẽ mua nhiều hơn khí đốt hoá lỏng và đậu tương của Mỹ ; cả hai bên ngừng thực hiện áp thuế quan bảo hộ thương mại lẫn nhau trong thời gian thương thảo để giải quyết cuộc xung khắc thương mại lần này; và hai bên hợp tác để cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Với thỏa thuận này, ông Juncker đã giúp EU đạt được kết quả mà EU nỗ lực nhiều nhưng không đạt được trong suốt thời gian trước ngày 1/6 vừa qua, là thời điểm Mỹ bắt đầu áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với sản phẩm thép và nhôm của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ. 

Khi ấy, EU muốn đàm phán nhưng phía Mỹ không sẵn sàng đàm phán. EU phát đi tín hiệu về sẵn sàng nhượng bộ Mỹ để không xảy ra xung khắc thương mại giữa hai bên nhưng phía Mỹ không quan tâm đến. Cho nên có thể thấy Mỹ theo đuổi mục tiêu phát động cuộc xung khắc thương mại trước đã rồi sau đó mới tính đến chuyện thương thảo với các đối tác, kể cả với những đối tác quan trọng của Mỹ như EU hay Trung Quốc. Mỹ cho rằng cách làm này sẽ giúp Mỹ có vị thế nổi trội để thương thảo trên thế mạnh và để buộc các đối tác chấp nhận những điều kiện của Mỹ.

Điều này thể hiện rất rõ trong thỏa thuận nói trên giữa Mỹ và EU. Cái được đối với EU là thương thảo với Mỹ và chừng nào còn thương thảo thì chừng đó không bị phía Mỹ áp thuế quan bảo hộ, và không buộc phải đáp trả Mỹ bằng biện pháp chính sách tương tự. Nhưng còn ở tất cả những nội dung khác trong thỏa thuận thì đều là nhượng bộ của EU đối với Mỹ. 

Ông Trump vốn không thích thú mọi thỏa thuận đa phương về tự do mậu dịch mà chủ trương đàm phán và ký kết thỏa thuận song phương giữa Mỹ và các đối tác về mậu dịch tự do. Riêng đối với EU, ông Trump đã đưa ra đề nghị “không thuế quan, không rào cản thương mại và không bù trợ” nhưng EU không chấp nhận. EU không muốn đơn giản như thế mà muốn có thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược bài bản bao trùm tất cả mọi lĩnh vực của quan hệ hợp tác song phương giữa Mỹ và EU. 

Bây giờ, ông Juncker đã nhượng bộ cho ông Trump điều này. Rồi việc EU chấp nhận nhập khẩu nhiều khí đốt hoá lỏng và đậu tương của Mỹ cũng vậy. Ông Trump chẳng phải luôn đòi EU bớt mua khí đốt của Nga để mua nhiều hơn khí đốt của Mỹ hay sao? Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng áp thuế quan bảo hộ đối với nhiều dòng sản phẩm của Mỹ, trong đó có đậu tương.

Bây giờ EU chịu nhập khẩu đậu tương của Mỹ nhiều hơn thì đâu có khác gì giúp ông Trump vừa làm bàn về chính trị đối nội ở Mỹ vừa đối phó Trung Quốc. Cả việc EU cam kết cùng Mỹ cải tổ WTO cũng chẳng phải là hùa theo Mỹ đối phó Trung Quốc hay sao?

Nhìn nhận như thế có thể thấy ông Juncker đã nhượng bộ rất nhiều và khá cơ bản cho ông Trump. Rất có thể EU kỳ vọng sẽ cân bằng lại được được mất và lợi hại nhờ kết quả cuối cùng đạt được với Mỹ. 

Đối với ông Trump, thỏa thuận này với EU có tác động đối nội rất quan trọng và ý nghĩa đối ngoại rất đáng kể. Ông Trump đã buộc EU phải chấp nhận đi theo quỹ đạo của Mỹ trong chuyện tranh chấp thương mại và phân hoá EU với Trung Quốc. Thỏa thuận này mở đường cho đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ nhưng không phải là sự đảm bảo rằng chuyện đàm phán thương mại ấy rồi cuối cùng cũng sẽ thành công.

Trong thời gian qua, tổng thống Mỹ công bố một loạt mức thuế trừng phạt nhắm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, với mục tiêu ngăn chặn đà vươn lên của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đe dọa thế thống trị hiện nay của Hoa Kỳ. 

Trong vấn đề này, cả Mỹ lẫn EU đều tố cáo công ty Trung Quốc là đã tìm mọi cách để đánh cắp bí mật của công nghệ của phương Tây. Do vậy, nếu được duy trì, điều hoàn toàn chưa chắc chắn, thỏa thuận hưu chiến thương mại giữa Mỹ và EU có thể cho phép cả hai bên tập trung mũi dùi vào Trung Quốc, mà đà vươn lên đe dọa cả hai khối. 

Về phía Mỹ, giới lập pháp ở Washington đã thông qua luật lệ nhằm làm chậm tiến trình Trung Quốc đầu tư vào các công ty Mỹ, còn tại châu Âu, những hồi chuông báo động đã liên tiếp được gióng lên trong thời gian gần đây về ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ, tin rằng “Hoa Kỳ và EU sẽ là đồng minh trong cuộc chiến chống Trung Quốc, nước đã phá vỡ hệ thống thương mại thế giới trong thực tế”. Ông Kudlow khẳng định là chính chủ tịch EU đã nói rõ là ông dự định giúp nước Mỹ và tổng thống Trump trên vấn đề Trung Quốc.

Mới đây, trong nỗ lực kiềm chế các ngành công nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, ông Trump đã nhân lên gấp bội lượng hàng hóa Trung Quốc mà ông đe dọa áp thuế hải quan, từ 50 tỷ đô la lên mức 450 tỷ đô la, sau khi Bắc Kinh có biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ.

Đọc thêm