Viễn thông Việt Nam năm 2016: Bức tranh đa sắc

(PLO) - Năm 2016 được đánh giá là năm tương đối suôn sẻ của các đại gia viễn thông Việt Nam khi các doanh nghiệp đều báo cáo lãi khủng. 
VNPT đã chính thức cung cấp 4G ở Phú Quốc.
VNPT đã chính thức cung cấp 4G ở Phú Quốc.

1. Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ 4G cho 4/5 nhà mạng là VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel (Vietnamobile chưa có giấy phép 4G). Ngày 3/11/2016, VinaPhone đã tuyên bố cung cấp 4G tại Phú Quốc và là nhà mạng đầu tiên cung cấp 4G tại Việt Nam. Như vậy, dù Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong khu vực triển khai 4G, nhưng việc đưa công nghệ 4G vào thực tiễn hứa hẹn mở ra những tiến bộ mới trong ứng dụng công nghệ viễn thông tiên tiến vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và yêu cầu ứng dụng công nghệ hiệu quả.

Cũng trong năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất thành công thiết bị mạng 4G với sự kiện Viettel là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam và thứ 6 trên thế giới sản xuất bộ thu phát sóng 4G. Dự kiến từ quý I/2017, Viettel sẽ chính thức đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam. Từ năm 2018 sẽ thay thế thiết bị mạng lõi nhập khẩu bằng sản phẩm tự sản xuất trong nước. 

2. Ngày 22/11/2016, sau gần 2 năm ban hành Quy hoạch đầu số mới, Bộ TTTT đã công bố lộ trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định, thực hiện thành 3 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 11/2/2017. Theo Bộ này, việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ… trong từng thời kỳ. Việc chuyển đổi mã vùng cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với người dùng trong một thời gian ngắn, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động…, tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông khẳng định sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tác động đến khách hàng. 

3. Năm 2016 là năm tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông và quản lý thuê bao di động trả trước, tăng cường quản lý việc mua bán, lưu thông SIM di động. Qua việc tập trung chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối, đã có khoảng 10,7 triệu thuê bao bị khóa dịch vụ, thu hồi và dự kiến tổng cộng sẽ có khoảng 15 triệu SIM kích hoạt sẵn bị khóa và thu hồi. 

Trong năm, các cơ quan chức năng triệt phá đường dây sử dụng SIM ảo để trộm cắp cước viễn thông quốc tế sử dụng công nghệ mới có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng. Bộ cũng đã thanh tra đột xuất các đại lý phát triển thuê bao di động trả trước, phát hiện nhiều vi phạm có dấu hiệu hình sự và đã chuyển sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định, bước đầu đã tạo chuyển biến trong việc lập lại kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực viễn thông.

4. Năm vừa qua cũng đánh dấu hạ tầng viễn thống có những điểm nhấn đáng kể, với việc VNPT đưa vào sử dụng dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cả trên đất liền, vùng biển, vùng trời, lần đầu tiên khẳng định xóa bỏ hoàn toàn “điểm trắng” về liên lạc ở Việt Nam.

Trong khi đó, Viettel được Chính phủ giao trách nhiệm  hiện đại hoá mạng viễn thông 3 nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước và triển khai mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại 3 nước tương đương với mức cước trong nước, tức là sẽ không còn cước quốc tế, không còn cước roaming quốc tế giữa các thuê bao của Viettel tại 3 nước, qua đó góp phần kết nối hoạt động đầu tư, phục vụ khách du lịch và người dân của ba nước. Đây là lần đầu tiên trên thế giới 1 khu vực kinh tế xóa bỏ cước roaming. 

Cuối năm 2016, VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC đã đưa tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway) - có hướng kết nối ra quốc tế tương tự như tuyến AAG vào hoạt động. Trong đó, VNPT tham gia đầu tư 40 triệu đô-la Mỹ, Viettel đầu tư 25 triệu đô-la Mỹ, FPT 10 triệu đô-la Mỹ và CMC 5 triệu đô-la Mỹ.

5. Kết thúc năm 2016, các doanh nghiệp viễn thông đều đạt mức tăng trưởng cao cả về 3 chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước. Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông ước đạt 365.500 tỷ đồng (ước tăng 7,5% so với năm 2015), tổng nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực viễn thông năm 2016 ước đạt 50.396 tỷ đồng (ước tăng 7,5% so với năm 2015). Trong đó, doanh thu của VNPT ước đạt 135.223 tỷ đồng, tăng 7%, lợi nhuận đạt 4.162 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%. Tổng doanh thu của toàn Tập đoàn Viettel năm 2016 đạt 256.526 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 43.200 tỷ đồng, nộp ngân sách 40.196 tỷ đồng. Doanh thu toàn Tổng Công ty MobiFone ước đạt 38.439 tỷ đồng, đạt 107,2% kế hoạch năm, tăng trưởng 14,5% so với năm 2015, lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước đạt: 5.204 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. 

6. Tháng 9/2016, Thanh tra Sở TTTT Hà Nội đã phát hiện từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016, nhiều khách hàng của Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile do không biết mình đang dùng dịch vụ của Sam Media hợp tác với 3 công ty Việt Nam cung cấp nên đã bị mất số tiền gần 230,5 tỷ đồng. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại thời điểm ngày 19/7/2016 là 93.735 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền. Mặc dù các nhà mạng đã tuyên bố cắt hợp đồng với các đối tác của Sam Media nhưng đây là sự cố làm mất niềm tin nghiêm trọng của khách hàng đối với cả nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ nội dung.

Đọc thêm