Việt Nam đủ lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

(PLVN) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dù có phải tăng bội chi, nhưng do dư địa tài khóa đã được củng cố và tăng cao trong giai đoạn vừa qua nên Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp đã được thông qua nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Việt Nam cam kết thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Ảnh minh họa
Việt Nam cam kết thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Ảnh minh họa

Dư địa tài khóa được củng cố và nâng cao

Tại cuộc họp báo kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng TW ASEAN cuối tuần qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng phương án điều chỉnh thu chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong khi thâm hụt NSNN dự kiến giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến, giá dầu thô giảm thấp, điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thì nhu cầu chi lớn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng… Do đó, khó khăn về bội chi NSNN là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, cấp bách; giảm chi thường xuyên 10% và giảm chi công tác nước ngoài 70%. Đồng thời, Bộ Tài chính đã chủ động sử dụng nguồn dự phòng NSNN và huy động nguồn lực từ xã hội để thực hiện chi cho phòng chống dịch và an sinh xã hội…

“Điều quan trọng của Việt Nam là sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, dư địa tài khoá của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao, nhất là về quản lý bội chi rất chặt chẽ, do vậy nợ công đã giảm sâu; chất lượng nợ công được cải thiện cao...”- Bộ trưởng khẳng định.

Ông Dũng dẫn chứng: Sau gần 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, thế và lực về tài chính – NSNN của Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Đến hết năm 2019, nhiều mục tiêu về tài chính – ngân sách đề ra cho cả giai đoạn 5 năm đã cơ bản được hoàn thành.

Trong đó: thu NSNN bình quân đạt 25,5% GDP; chi NSNN bằng khoảng 27 - 28% GDP, tỷ trọng chi đầu tư phát triển là 29,2% tổng chi NSNN; bội chi NSNN bằng 3,36% GDP và dư nợ công bằng khoảng 54,7% GDP (trần cho phép là 65%); cơ cấu nợ công tích cực hơn, góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện dư địa và tính bền vững của NSNN.

Với tình hình NSNN năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù có giảm so với dự toán, nhưng dư địa tài khoá lớn, khả năng bù đắp và đặc biệt bù đắp tăng chi cho đầu tư phát triển và phòng chống dịch là hoàn toàn có dư địa.

“Do đó, nếu có phải tăng bội chi nhưng do dư địa rất tốt, nên thời gian tới, Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện các biện pháp đã được thông qua và đang thực hiện, nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn như gia hạn, giảm thuế…” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng  khẳng định.

Bội chi ngân sách, nợ công trong tầm kiểm soát

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam 9 tháng năm 2020 vừa được Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố cũng đưa ra nhận định: “Thâm hụt NSNN và nợ công dự tăng cao hơn dự kiến song trong tầm kiểm soát”.

Cụ thể, với việc triển khai được khoảng 36% gói hỗ trợ tài khóa khiến chi NSNN tính đến ngày 15/9/2020 tăng mạnh 66,5% so với cùng kỳ 2019, trong khi đó, tổng thu NSNN tiếp tục giảm 12,3% so với cùng kỳ 2019. 

Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tốc độ giảm thu nội địa đã chững lại khi những khó khăn của DN và nền kinh tế dần được tháo gỡ.

Với thâm hụt NSNN/GDP 9 tháng năm 2020 ở mức 3,3% (tính trên quy mô GDP 9 tháng năm 2020), nhóm nghiên cứu cho rằng dư địa của việc mở rộng tài khóa vẫn khá khả quan. “Với việc đẩy mạnh giải ngân các gói hỗ trợ giai đoạn 1 và đưa ra gói bổ sung từ quý IV/2020, dự báo thâm hụt NSNN/GDP cả năm 2020 sẽ ở mức 5,0-5,2%, cao hơn mục tiêu (dưới 4%), song đây là tỷ lệ chấp nhận được và vẫn trong tầm kiểm soát trong bối cảnh phải đưa ra các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội…” - TS Cấn Văn Lực phân tích.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nợ công năm 2020 dự kiến ở mức 56-58% GDP, tuy cao hơn mức 54,7% năm 2019 và mức mục tiêu 54,3% năm 2020 song vẫn trong khả năng cho phép (thấp hơn nhiều so với ngưỡng 65% của Quốc hội) và thấp hơn nhiều so với mức nợ công tại các thị trường mới nổi (63,1%) và toàn cầu (101,5%).

Theo báo cáo “Asia Economics: It’s about stamina” (“Kinh tế của các nước châu Á: Tất cả là khả năng chịu đựng của mỗi quốc gia”) do Ngân hàng HSBC vừa công bố, Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất mà HSBC tiếp tục dự báo có tăng trưởng khả quan trong năm 2020. HSBC kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt mức 2,6% (giảm nhẹ so với dự báo trước đây là 3%). Còn năm 2021, HSBC cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Do vậy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1% (dự báo trước đây là 8,5%).

Đọc thêm