“Việt Nam thành công trong thu hút và sử dụng ODA”

(PLO) - Chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông - vận tải, hàng loạt dự án lớn, có vai trò quan trọng đều được hình thành từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), như quốc lộ 1A, quốc lộ 3, 5, 10, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường xuyên Á TP.HCM - Mộc Bài kết nối với hệ thống đường bộ Campuchia và Thái Lan trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Kông (GMS), hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cảng Tiên Sa, Sân bay quốc tế Nội Bài...
“Việt Nam thành công trong thu hút và sử dụng ODA”
Ưu tiên ODA cho các công trình quan trọng
 “Trong giai đoạn phát triển vừa qua, công tác vận động, thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện ở 3 chỉ tiêu chủ yếu: vốn ODA cam kết, vốn ODA ký kết và vốn ODA giải ngân. Việt Nam đã thành công nhiều mặt khi thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của các nhà tài trợ. 
Vốn ODA đã được sử dụng một cách hiệu quả trong 20 năm qua, với hơn 78 tỉ USD vốn cam kết, trên 42 tỉ USD vốn giải ngân, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần xóa đói, giảm nghèo”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định tại Lễ kỷ niệm 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ vừa diễn ra tại Hà Nội.
Đơn cử, chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông - vận tải, có thể kể hàng loạt dự án lớn, có vai trò quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 3, 5, 10; đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường xuyên Á TP.HCM - Mộc Bài kết nối với hệ thống đường bộ Campuchia và Thái Lan trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Kông (GMS); hay hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, cầu Cần Thơ, cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cảng Tiên Sa, Sân bay quốc tế Nội Bài...
Thời gian tới, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ được ưu tiên sử dụng trên cơ sở nguyên tắc là hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015 và 2016 - 2020), trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ thực hiện Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011 - 2020. 
Đồng thời, Việt Nam xác định ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng, khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng sẽ được sử dụng như nguồn vốn bổ trợ nhằm khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thông qua nhiều mô hình và phương thức khác nhau, trong đó có hợp tác công - tư (PPP).
Thêm nữa, một phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi có thể được sử dụng để đầu tư phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy thương mại, góp phần tạo việc làm và tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các vùng, các địa phương.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh 
Hoàn thiện khung pháp lý
Để tăng cường hiệu quả việc sử dụng mỗi đồng vốn ODA, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, trong 20 năm qua, các cam kết của Việt Nam trong việc thu hút, quản lý và sử dụng viện trợ đã được Chính phủ thể chế hóa ở 5 nghị định, gồm: Nghị định 17/1994, Nghị định 20/1998, Nghị định 87/2002, Nghị định 131/2006 và Nghị định 38/2013/NĐ-CP. Khoản 2 Điều 6 Nghị định 38/2013/NĐ-CP ghi rõ: “Chính phủ thống nhất quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở phân cấp trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và tính chủ động của các cấp, các ngành; bảo đảm sự phối hợp quản lý, kiểm tra và giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan”.
Đồng thời, trong các cam kết toàn cầu về hiệu quả viện trợ như Tuyên bố Paris (PD-2005), Văn kiện quan hệ đối tác Busan (Hàn Quốc, BPD-2008) cũng như các văn kiện quốc gia về hiệu quả viện trợ như Cam kết Hà Nội (HCS-2005) và Văn kiện quan hệ đối tác Việt Nam (VPD-2013), các nhà tài trợ cam kết hài hòa và sử dụng tối đa hệ thống của Chính phủ về đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán, theo dõi và đánh giá…  
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối về quản lý và điều phối vốn ODA của Chính phủ, phối hợp cùng với Bộ này trong việc quản lý và điều phối vốn ODA có các Bộ như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và Bộ Ngoại giao. Các Bộ và cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ODA ở cấp, ngành. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ODA trên địa bàn. 
Nhờ đó, các quyết định về sử dụng ODA, đánh giá nhu cầu cũng như thẩm định các chương trình, dự án được gắn liền với hệ thống hoạch định và quản lý phát triển như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm, kế hoạch hàng năm của Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia... Vì thế, công tác quản lý và viện trợ chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển ưu tiên của Nhà nước cũng như của các Bộ, ngành và địa phương. 
Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng hiệu quả vốn ODA là một phần của tiến trình này.
“Điều quan trọng nhất là vốn ODA của Nhật Bản được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Điều này không chỉ bao gồm việc thực hiện suôn sẻ các dự án sử dụng vốn ODA mà còn bao gồm chiến lược sử dụng vốn ODA Nhật Bản của Việt Nam dựa trên tầm nhìn phát triển dài hạn và trung hạn. Hay nói cách khác, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa nhằm tính toán và giải quyết các thách thức chính sách của chính mình một cách phù hợp và chủ động. Hơn cả, vốn ODA của Nhật Bản được sử dụng nhằm củng cố mối quan hệ đôi bên cùng có lợi trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược Nhật Bản - Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng rằng, vốn ODA của Nhật Bản là xung lực đưa hai nước tới sự thịnh vượng chung. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại gần gũi với Chính phủ Việt Nam, để vốn ODA của Nhật Bản sẽ được sử dụng một cách chiến lược và hiệu quả hơn nữa”. 
Ông Hiroshi Fukada - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

Đọc thêm