Vĩnh Phúc: Tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ

(PLO) - Ngay sau khi cơ quan Trung ương ban hành chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo để tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. 
Vĩnh Phúc: Tinh thần khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ

Trong đó có Kế hoạch số 8912/KH-UBND ngày 8/12/2016 về hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với 11 nhiệm vụ được đề ra nhằm hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp. Nhờ vậy, tinh thần khởi nghiệp tại Vĩnh Phúc đã được lan tỏa thật mạnh mẽ.

Triển khai các văn bản của UBND tỉnh, tháng 3/2017, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc đã tổ chức Lễ phát động Chương trình thanh niên Vĩnh Phúc khởi nghiệp với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các doanh nghiệp và sự góp mặt của hơn 500 đoàn viên, thanh niên, sinh viên có nhu cầu khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cũng trong Lễ phát động, nhằm kịp thời  khích lệ, động viên những gương thanh niên tiêu biểu đã khởi nghiệp thành công, Tỉnh Đoàn đã tuyên dương 10 thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc cũng tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp và đồng thời phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp. Ngày 25/8/2017, Hội đồng tư vấn khởi nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch số 528-KH/HĐTVKN về tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp “Start-up Idea” tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ nhất. Cuộc thi này đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cung cấp kiến thức khởi nghiệp; tìm kiếm, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp hiệu quả và thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội đối với các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp. Đây là cơ hội để các bạn trẻ biến ước mơ, hoài bão của mình thành hiện thực và từ đó hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ trưởng thành từ các chương trình khởi nghiệp của tỉnh trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công doanh nghiệp của mình.

Không những thế, UBND tỉnh còn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng với các cơ quan liên quan, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp cùng học sinh, sinh viên năm 2017” với sự tham gia của trên 500 người là giáo viên, học sinh, sinh viên thuộc các trường THPT, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó, giúp các em học sinh, sinh viên tiếp cận với các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Chương trình Khởi nghiệp; nhận thức bước đầu về kinh doanh; đánh giá các cơ hội và nguồn lực để chuẩn bị khởi nghiệp được thành công. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 20 lớp đào tạo về khởi nghiệp, với kinh phí 281,25 triệu đồng. Đến nay, đã tổ chức được các lớp đào tạo khởi nghiệp với kinh phí 91,6 triệu đồng...

Các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp như hỗ trợ trong quá trình thành lập, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ tiếp cận, khai thác nguồn nhân lực, hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ trong xúc tiến thương mại... cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt về nguồn vốn, trong 9 tháng đầu năm 2017, Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng của tỉnh đã phê duyệt tổng mức cho vay đạt 155 tỷ đồng; Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh đã cho 08 dự án trên địa bàn tỉnh vay vốn với tổng số vốn 15,65 tỷ đồng; Quỹ Phát triển khoa học công nghệ đã cho vay đối với 09 dự án, tổng số vốn cho vay là 34,265 tỷ đồng. 

Bên cạnh những thành quả trên, phong trào khởi nghiệp tại Vĩnh Phúc vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp như tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành thực hiện thống nhất, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; tiếp tục rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp và ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh.

Tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm cần tổ chức tốt việc đánh giá tác động và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, nhất là các văn bản có liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đọc thêm