Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc): Câu chuyện nuôi bò và bài toán kinh tế môi trường

(PLO) - “Không thể phủ nhận nghề chăn nuôi bò sữa đã làm thay đổi bộ mặt của xã nhưng đến nay thì số lượng bò sữa nuôi trong dân là quá lớn, có nhà “nhân khẩu” bò còn lớn gấp 2- 3 lần nhân khẩu người. Mỗi ngày lượng phân và nước tiểu bò thải ra ruộng, ra ao lên tới 300 tấn. Nhiều người đã phải bỏ làng xã đi làm ăn nơi khác…” - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Ngọc Triển chua chát nói về bài học của sự phát triển nóng, thiếu quy hoạch…
Nhiều hộ dân có “nhân khẩu” bò còn lớn hơn số người 2- 3 lần
Nhiều hộ dân có “nhân khẩu” bò còn lớn hơn số người 2- 3 lần

Sướng nhờ bò, khổ cũng vì bò…

Bí thư Triển nhớ lại những năm đầu mới chia tách tỉnh, lãnh đạo huyện rất trăn trở với mô hình phát triển kinh tế. Sau khi tham quan mô hình nuôi bò sữa ở Mộc Châu - Sơn La, huyện đã quyết định chọn bò sữa là một trong những sản phẩm mũi nhọn. Năm 2000, Vĩnh Thịnh bắt đầu phát triển đàn bò sữa và là xã tiên phong trong việc phát triển đàn bò sữa của huyện. “Khi đó có nhiều cơ chế cho vay ưu đãi, hỗ trợ giống nền đàn bò sữa của Vĩnh Thịnh tăng rất nhanh…” - ông Triển nhớ lại.

Với nhân khẩu toàn xã khoảng 12.000 người, giờ thì Vĩnh Thịnh đã có đàn bò gần 5.000 con, trong đó chủ yếu là bò sữa, chiếm  gần 70% số bò sữa của toàn huyện. Hầu như hộ nào cũng nuôi bò, có hộ nhân khẩu chỉ có 4- 5 người nhưng đàn bò nuôi trong nhà đã gấp đôi, gấp ba… 

Từ một xã nghèo vùng ven bãi sông Hồng, trồng lúa hiệu quả kinh tế không cao, bò sữa đã đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân, đời sống của người dân đã được nâng lên đáng kể. Tính trung bình, mỗi con bò cho 5 tấn sữa/năm thì mỗi con bò mang lãi về cho gia chủ 20 triệu đồng/con/năm. Nhiều hộ dân có nhà cửa khang trang, con cái có điều kiện học hành tốt hơn…

Tuy nhiên, hệ quả không mong muốn là môi trường. Trung bình mỗi con bò sữa trưởng thành mỗi ngày thải  25-30 kg phân, 30- 35 lít nước tiểu và một lượng đáng kể nước rửa chuồng trại. Với quy mô đàn bò của xã như hiện nay, mỗi ngày có đến 275 tấn chất thải thải ra môi trường dân cư, gây ô nhiễm nguồn nước và bầu không khí…

“Tình hình ô nhiễm đã trở nên báo động, nhiều người nói với tôi là rất lâu rồi không dám mời khách về ăn cơm. Những nhà có con em thoát ly thì cũng không muốn về, có việc chỉ tạt qua nhà rồi nhanh chóng đi ngay... Cũng có người đặt vấn đề là di chuyển đi nơi khác sinh sống để đất đó cho bò…” - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh chia sẻ.

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Vĩnh Thịnh, năm 2014 xã chỉ có 8 người chết do ung thư, nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 12 người chết và đến đầu năm 2017 phát hiện mới 31 người mắc ung thư.

Bài toán kinh tế và môi trường

Phát triển du lịch có còn đất trồng cỏ nuôi bò?

Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh, ông Nguyễn Ngọc Triển, Vĩnh Thịnh không thiếu đất trồng cỏ nuôi bò, thậm chí cỏ tại địa phương đủ đáp ứng thức ăn cho đàn bò lớn gấp 3 hiện nay, kể cả khi địa phương đã nhường đất cho dự án phát triển dịch vụ, du lịch. Hiện xã có quỹ đất tự nhiên là 1.028 ha, trong đó quỹ đất nông nghiệp là 633ha, trong đó quỹ đất trồng lúa 183ha, đất trồng cỏ, nuôi bò 195ha, đất trồng ngô 85ha, đất trồng chuối 25ha và đất nuôi trồng thủy sản 80ha. 

“Trong trường hợp nhường một phần quỹ đất nông nhiệp sang làm dự án du lịch, dịch vụ thì quỹ đất trồng cỏ vẫn đáp ứng nguồn thức ăn cho quy mô đàn bò lên đến 15.000 con, lớn gấp 3 quy mô đàn bò hiện nay triên địa bàn” - ông Triển khẳng định.

Ông Triển cũng cho biết, cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp tại Vĩnh Thịnh cho thấy trồng cỏ nuôi bò vẫn có hiệu quả kinh tế cao nhất. Vì thế, nếu tăng quy mô đàn bò sữa, địa phương sẽ tìm cách hoán đổi diện tích đất trồng lúa, trồng ngô sang trồng cỏ, nên ai đó nói Vĩnh Thịnh thiếu đất trồng cỏ nuôi bò là không có cơ sở…

Từ cầu Vĩnh Thịnh phóng tầm mắt xuống dưới chân cầu là một màu xanh ngút ngàn của cỏ voi. Xa xa là khu du lịch sinh thái FLC, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng hầu như lúc nào cũng “cháy phòng”, nhất vào dịp lễ tết, cuối tuần.  

Chủ trương chuyển dịch kinh tế được lãnh đạo tỉnh trăn trở bấy lâu nay và từ khi cây cầu Vĩnh Thịnh được xây dựng thì ý tưởng chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng đất bãi ven sông sang phát triển du lịch - dịch vụ được xem là “chìa khóa” phát triển kinh tế nơi đây.

“Chủ trương này càng trở nên cấp bách vì ô nhiễm do chăn nuôi bò đã đến mức báo động. Cần phải có giải pháp để phát triển kinh tế bền vững, không thể  để mãi tình trạng người dân phải sống trong môi trường ô nhiễm như vậy…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành  trăn trở.

Ông Thành cũng lo ngại, cách thức nuôi bò như hiện nay không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, chất lượng sữa không cao và không ổn định.“Hiện nay, các công ty thu mua đòi hỏi chất lượng sữa phải cao hơn, đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, phải tổ chức chăn nuôi theo mô hình tập trung để giải quyết vấn đề môi trường, tạo điều kiện áp dụng các quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sữa, tăng giá bán. Có như vậy, việc nuôi, sản xuất sữa mới phát triển bền vững, ổn định…” - Phó Chủ tịch Thành khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Tường, ông Lê Chí Thái, UBND huyện Vĩnh Tường đang xây dựng Dự án “Thí điểm đưa chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo bệ môi trường giai đoạn 2017- 2020”. “Dự án này nhằm tìm ra mô hình, giải pháp cụ thể để phát triển đàn bò sữa theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Trên cơ sở mô hình thí điểm tại Vĩnh Thịnh, huyện sẽ nhân ra diện rộng…” - ông Thái chia sẻ.

Theo đó, sẽ quy hoạch xây dựng 3 khu chăn nuôi bò sữa ra ngoài khu dân cư với tổng diện tích 26,5ha, trong đó giai đoạn 1 (2017- 2020) sẽ thực hiện 50% diện tích mỗi khu đáp ứng ngay cho các hộ có nhu cầu và trên cơ sở kinh nghiệm kết quả thực hiện giai đoạn 1 để nhân rộng. Đáng chú ý, với mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô đàn bò sữa của xã có thể lên tới trên 10.000 con. Quy hoạch tổng diện tích trồng cỏ lên tới 150ha. Khu chăn nuôi có hệ thống xử lý môi trường với hệ thống chuồng trại, chăm sóc y tế đảm bảo… Từ khu chăn nuôi tập trung này sẽ hình thành sản phẩm du lịch từ các trang trại chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu gắn kết với khu du lịch sinh thái… Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, huyện.

“Thỉnh thoảng  vẫn có du khách ở khu du lịch sinh thái FLC đạp xe vào khu dân cư… Nhu cầu tham quan cộng đồng dân cư là có, nhưng với tình trạng ô nhiễm như hiện nay thì  e rằng  không ai muốn đến nữa…” - ông Thái lo ngại.

Theo bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty FLC Travel, sau khi hoàn thành dự án theo quy hoạch, sẽ thu hút thêm khoảng 4.000 lao động địa phương, trong đó đó có khoảng 1.500 lao động phổ thông, giải quyết 80% nhu cầu việc làm ở 2 xã Vĩnh Thịnh và An Tường, 20% nhu cầu việc làm của huyện Vĩnh Tường và các vùng phụ cần… “Khi khu chăn nuôi bò sữa tâp trung được hình thành thì đây cũng sẽ là một trong những điểm du khách muốn ghé thăm…” - bà Dung kỳ vọng.

Để người dân đồng thuận

Mặc dù đã được cảnh báo về tình trạng ô nhiễm tại Vĩnh Thịnh nhưng khi trực tiếp xuống xã chúng tôi cũng không thể không bịt mũi khi vào thăm các hộ dân bởi mùi hôi thối thốc lên ngay ngoài cổng.

Khu vực chăn nuôi bò của gia đình anh Định, chị Hiền (thôn Trại Trì, xã Vĩnh Thịnh) nằm ngay sát nơi sinh sống của gia đình một với tay. Mở cửa sổ có thể bao quát được đàn bò lừng lững đang rệu rạo nhai cỏ. Có 14 con bò, trong khi gia đình chỉ có 4 nhân khẩu. “Cũng vất lắm nhưng không nuôi bò thì biết làm gì?” - anh Định chia sẻ. Anh Định cho biết, cũng nhờ nuôi bò mà gia đình có “đồng ra, đồng vào”, lo cho các cháu ăn học… “Biết là ô nhiễm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Thấy xã nói sẽ xây dựng khu chăn nuôi tập trung nhưng đã thấy gì đâu?” - anh Định nói. 

 Cạnh nhà anh Định vài bước chân là ngôi nhà khá khang trang của gia đình anh Huy, chị Lan. Hai đứa con lớn đang phụ giúp bố tắm rửa, cọ chuồng chuẩn bị vắt sữa. Phân bò được vận chuyển đổ thẳng ra cánh đồng trước nhà, còn nước tiểu, nước rửa chuồng theo đường ống xả ra cánh đồng… “Cũng mùi lắm nhưng cũng quen rồi!” - chị Lan thủng thẳng. Ngồi tạm bậc tam cấp trong khi lối vào phòng khách bịt kín bởi các bao thức ăn nuôi bò, chị Lan bảo chị bị viêm khớp mấy năm nay nên không đi lại nhiều được. “Dù sao nuôi trong nhà còn quán xuyến được, tiện cho việc chăm sóc. Nếu ra khu tập trung, riêng chuyện đi lại cho ăn đã không tiện rồi, chưa kể mất thêm tiền đầu tư, trong khi chuồng trại trong nhà bị bỏ không….” - chị Lan so đo. Khi được hỏi gia đình có đưa bò ra khu tập trung không, chị nước đôi: “Mọi người ra thì nhà em ra…”.

Trao đổi với PLVN, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh cho biết, thực ra từ năm 2009, UBND xã đã quy hoạch 3 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 17,3ha. Song quá trình triển khai do chọn vị trí không phù hợp vận động người dân không có kết quả. “Quy hoạch lần này đã khắc phục những tồn tại của quy hoạch lần trước, tỉnh, huyện cũng có chính sách hỗ trợ cho người dân đưa bò ra khu tập trung. Vả lại, vấn đề ô nhiễm hiện nay cũng nặng nề hơn so với trước đây. Vấn đề còn lại là công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận…” - ông Triển chia sẻ…

Vinamilk quan tâm đến việc đầu tư phát triển bò sữa ở Vĩnh Phúc

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc hôm 27/4 vừa qua, đại diện CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Bùi Thị Hương, Giám đốc điều hành Nhân sự - Hành chính và Đối ngoại cho biết, theo kế hoạch 5 năm tới, Vinamilk sẽ đầu tư trên 6.000 tỷ đồng để tăng đàn bò lên khoảng 50.000 con, vì vậy DN rất muốn hợp tác với các địa phương để xây dựng các trang trại chăn nuôi hiện đại, quy mô lớn, cũng như liên kết sản xuất với bà con nông dân để tạo vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Vinamilk đã có hoạt động liên kết sản xuất với nông dân từ vài năm trước, chủ yếu là huyện Vĩnh Tường với sản lượng thu mua hiện nay trung bình 42 tấn/ngày, năm 2016 Vinamilk Việt Nam đã chi trả cho bà con tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng.Tìm hiểu thực tế tại xã Vĩnh Thịnh, bà Hương cho biết, sau chuyến tham quan, Vinamilk sẽ nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển dự án chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Phúc…

Đọc thêm