“Vỡ nợ” cà phê ở Tây Nguyên: Lỗ hổng pháp lý “tiếp tay” cho vấn nạn

(PLO) -Khoảng mười năm trở lại đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ “vỡ nợ” cà phê. Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ cà phê” của đất nước, nhưng đây cũng là nơi manh nha những “cơn bão vỡ nợ” của hình thức ký gửi cà phê. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Việc các chủ đại lý nhận ký gửi cà phê của bà con rồi tuyên bố vỡ nợ không còn xa lạ. Liên tiếp hai vụ trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua một lần nữa làm rúng động dư luận. Còn trước đó, từ những năm 2000, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra hàng loạt vụ việc tương tự khiến hàng trăm hộ dân phải trắng tay. 

Điển hình, từ năm 2007-2010, trên địa bàn các xã Ea H’Dinh, Cư Dliê M’Nông, Ea Kpam và thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk có năm doanh nghiệp, cơ sở thu mua cà phê tuyên bố vỡ nợ. Theo thống kê sơ bộ, cả năm đại lý này đã nhận ký gửi hơn 500 tấn cà phê nhân của 314 hộ dân. 

“Cơn bão vỡ nợ” tiếp tục lan rộng trên nhiều huyện khác như Ea H’Leo, Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ... Tính đến cuối năm 2012, trên toàn tỉnh Đắk Lắk có 43 cơ sở, doanh nghiệp nhận ký gửi cà phê tuyên bố vỡ nợ với khoảng 300 tỷ đồng và 300 tấn cà phê nhân. Tiếp đó, vấn nạn này lan rộng sang địa bàn tỉnh Đắk Nông và toàn bộ khu vực Tây Nguyên. 

Theo ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Lắk, việc nông dân ký gửi cà phê đến các đại lý, cơ sơ kinh doanh đã manh nha từ rất lâu. Thông thường, đó là những hộ có diện tích, sản lượng lớn, chưa có nhu cầu bán ngay, không có chỗ để sản phẩm, không bảo quản được sản phẩm. 

Các hộ dân thường có quan hệ thường xuyên với chủ đại lý về mặt tài chính và tình cảm. Hình thức giao dịch này giúp bà con đỡ tốn công sức, tiện lợi, nhanh gọn. Ngoài ra, bà con cũng có thể ứng dần tiền và đến thời điểm cà phê được giá thì bán luôn. Tuy nhiên, việc ký gửi cà phê luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh “dở khóc dở mếu”. 

Khi đến ký gửi cà phê, người dân và chủ đại lý thường làm giấy tờ rất sơ sài. Hầu như đó chỉ là tờ “giấy biên nhận” giữa hai bên, không có người làm chứng, cũng không có giá trị thuyết phục về mặt pháp lý. Đây chính là “lỗ hổng” khiến các chủ đại lý dễ dàng lách luật khi tuyên bố vỡ nợ. 

Trên thực tế, đa số các vụ vỡ nợ đều được cơ quan có thẩm quyền quy định là “tranh chấp dân sự”, và không bị xử lý hình sự dù có các yếu tố của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như có tài sản nhưng không chịu trả, cố tình tẩu tán tài sản…

Ông Tư chia sẻ: “Có thể nhiều đại lý, cơ sở làm ăn thua lỗ thật. Tuy nhiên, đó cũng có thể là “mưu mô” mà một số chủ đại lý bày ra nhằm trục lợi, chiếm đoạt tài sản của người dân. Khi tiến hành giao dịch, bà con chỉ viết giấy tay, ký gửi sản phẩm nhưng không có mức giá, không ấn định ngày bán cụ thể nên khi có hậu quả xấu, việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn”. 

Để làm rõ những quy định pháp lý xung quanh hình thức ký gửi, PL&TĐ đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông pháp luật Việt Nam):

Thưa ông, việc ký gửi cà phê dưới góc độ pháp lý được hiểu như thế nào?

- Hiểu theo cách thông thường thì ký gửi cà phê là việc bên ký gửi nhờ bên nhận ký gửi bán hộ cà phê và có trả thù lao theo thỏa thuận. 

Còn dưới góc độ pháp lý, ký gửi cà phê là một giao dịch hợp đồng về ủy thác bán hàng hóa đã được Luật Thương mại quy định. Theo đó, bên ủy thác (chủ hàng) sẽ chuyển quyền quản lý, định đoạt tạm thời đối với tài sản của mình cho bên nhận ủy thác (bà con vẫn gọi là đại lý ký gửi), thông qua hợp đồng ủy thác mua bán hàng hóa. Bên nhận ủy thác sẽ được nhận thù lao từ việc bảo quản, bán hộ hàng. 

Thưa ông, nếu chủ hàng chỉ gửi nhờ giữ hộ cà phê, không nhờ bán hộ, thì là hợp đồng gì?

- Nếu chỉ nhờ giữ hộ cà phê, không nhờ bán hộ thì đây là hợp đồng gửi giữ tài sản thông thường. Bên nhận hộ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản và sẽ được chủ hàng trả thù lao.

Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng uỷ thác bán cà phê?

- Căn cứ Điều 163 và Điều 165 Luật Thương mại, thì bên nhận uỷ thác bán cà phê có những nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện mua bán hàng hóa theo thỏa thuận.

+ Thông báo cho chủ hàng về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng ủy thác.

+ Thực hiện các chỉ dẫn của chủ hàng phù hợp với thỏa thuận.

+ Bảo quản tài sản, tài liệu được chủ hàng giao để thực hiện hợp đồng ủy thác.

+ Giữ bí mật về những thông tin có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng ủy thác.

+ Giao tiền hàng theo đúng thỏa thuận.

- Còn chủ hàng có nghĩa vụ:

+  Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng ủy thác.

+ Trả thù lao ủy thác và các chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác.

+Giao hàng theo đúng thỏa thuận.

Những “lỗ hổng” trong hợp đồng ký gửi cà phê mà bà con thường bị bên nhận ký gửi lợi dụng?

- Thay vì phải lập hợp đồng uỷ thác bán cà phê bằng văn bản có nội dung chi tiết thì hầu hết các đại lý nhận ký gửi chỉ đưa cho bà con tờ giấy biên nhận. Tờ giấy này cũng là mẫu dập khuôn, áp dụng cho tất cả các trường hợp, chỉ khác nhau về số lượng hàng hoá đã nhận. 

Điều đặc biệt, câu chữ được thể hiện bên trong giấy biên nhận hầu hết không hề đề cập đến từ “ký gửi” hay “uỷ thác bán hàng”, từ đó nếu xảy ra tranh chấp sẽ rất khó khăn để xác định rõ trách nhiệm.

Thứ hai, giấy biên nhận không có nội dung quy định cụ thể về việc chủ đại lý ký gửi có được bán cà phê hay chỉ bảo quản tại kho. Từ đó, chủ đại lý ký gửi sẽ tuỳ tiện bán đi để kinh doanh vì không có quy định ràng buộc trách nhiệm.

Thứ ba, giấy biên nhận cũng không ghi rõ thời hạn thanh toán, thời hạn ký gửi. Nếu như chủ hàng có thể gửi hàng vô thời hạn thì chủ đại lý nhận ký gửi cũng có thể giữ hàng vô thời hạn. Thời hạn thanh toán không rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng chủ đại lý cố tình không giao lại tiền hàng đã bán được mà tìm cách trì hoàn để sử dụng vào những mục đích khác.

Vậy khi các bên ký gửi thông báo “vỡ nợ”, chẳng nhẽ người dân đành chấp nhận trắng tay do “lỗi” nhẹ dạ cả tin?

- Theo tôi, cần phải đề cập đến lỗi từ pháp luật. Quy định về hợp đồng ủy thác bán hàng hóa đã có trong Luật Thương mại từ năm 2005. Đã 10 năm thực hiện, nhưng loại hợp đồng này chỉ vẻn vẹn có chục điều luật điều chỉnh, với quy định rất chung chung, không có văn bản hướng dẫn dù thực tế đã xảy ra rất nhiều tranh chấp phát sinh. Điều này cho thấy luật bất cập, không theo kịp, không xử lý được tình trạng thực tế đang xảy ra. 

Câu hỏi cuối cùng, sẽ bất hợp lý như thế nào khi chủ đại lý ký gửi cà phê công khai tuyên bố vỡ nợ, không bỏ trốn là bình an vô sự?

Đây chính là kẽ hở của pháp luật hình sự để cho những tội phạm về chiếm đoạt tài sản lợi dụng. Pháp luật sinh ra nhằm điều chỉnh kịp thời vấn đề xã hội phát sinh, đảm bảo tính công bằng. Chưa đảm bảo được tính công bằng thì nhà làm luật cần phải sửa lại luật. 

Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi sử dụng không đúng mục đích đã thoả thuận rõ ràng là hành vi trái luật. Hành vi trái luật cũng là hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, pháp luật hình sự lại chỉ định nghĩa sử dụng vào mục đích bất hợp pháp theo một phạm vi rất hẹp. 

Nếu cứ bán tài sản của người khác để tiêu xài cá nhân không thuộc danh mục sử dụng với mục đích bất hợp pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì chủ nợ cứ vi phạm, sau đó tuyên bố vỡ nợ, khi nào có tiền thì trả. Các vụ vỡ nợ như thế vẫn còn nối dài theo thời gian.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. 

Đọc thêm