VRDF 2020: Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội mới

(PLVN) - Với việc khống chế thành công dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng vừa qua, tại Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển năm 2020 (VRDF 2020) , nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội mới song phải biết cách đển tận dụng các cơ hội đó...
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Với chỉ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển năm 2020 (VRDF 2020)  vừa diễn ra ngày 29/9/2020 tại Hà Nội

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới  (WB) tại Việt Nam  Carolyn Turk, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie đã đồng chủ trì diễn đàn.

Mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay là cung cấp đầu vào giúp Việt Nam hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030 và Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. 

Đây là dịp để các học giả, chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như để Việt Nam chia sẻ với các nước có cùng trình độ phát triển kinh nghiệm về thành công và thất bại của mình.

Chúc mừng Việt Nam về những thành tích nổi bật trong việc kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt dịch bùng phát tại TP Đà Nẵng vừa qua, Giám đốc quốc gia  WB tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, tuy đại dịch Covid-19 tác động về ngắn hạn và dài hạn, ảnh hưởng đến cách thức làm việc, di chuyển, giao tiếp, nhưng trong các cuộc khủng hoảng luôn xuất hiện cơ hội về thương mại và đầu tư toàn cầu và cơ hội từ nền kinh tế không tiếp xúc. 

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk.
 Giám đốc quốc gia  WB tại Việt Nam Carolyn Turk. 

Do vậy, Diễn đàn hôm nay là dịp để các đại biểu cùng trao đổi, tìm ra cách thức để Việt Nam hành động nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh dịch Covid-19…” - bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Đại diện WB tại Việt Nam cũng cho rằng Diễn đàn cũng là dịp thảo luận xem Việt Nam cần làm gì để nâng cao vị thế của mình đặc biệt là trong thu hút FDI thế hệ mới để tiến lên nấc thang mới. 

Đã đến thời điểm Việt Nam không nhất thiết thu hút FDI theo số lượng mà phải tối đa hóa sử dụng FDI thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao nhân lực. Việt Nam đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số và có thể cần làm nhiều việc hơn thế nữa bởi trong tương lai trên thế giới các dịch vụ giáo dục, y tế… đều được giao tiếp qua mạng. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh quá trình này thông qua các đề án dịch vụ công quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ sinh thái bao trùm…” - bà Carolyn Turk khuyến nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.
 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Đồng chủ trì Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi nhanh chóng cho cả thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng toàn diện đến vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trên quy mô toàn cầu. Từ đó tạo ra nhiều thách thức và cơ hội mới. 

“Việt Nam đã nỗ lực đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong kiểm soát dịch Covid-19 và trong sự thay đổi sâu sắc này, bên cạnh các khó khăn, thách thức thì đất nước Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội mới, nhất là về thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu... Đây là cơ hội tạo ra “áp lực”, thúc ép để Việt Nam cải cách nhanh, hiệu quả hơn. Cùng với đó, phải nhanh chóng cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, kể cả từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương và đặc biệt là thay đổi nhanh mô hình tăng trưởng hiện nay…” - Bộ trưởng phát biểu.

Diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, bình luận, đóng góp sâu sắc, rất hữu ích cho Việt Nam. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã tham mưu, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp mới, có giá trị để làm thế nào nắm bắt được cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, nâng cao vị thế đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu; các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đưa nền kinh tế sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bao trùm và bền vững; những hành động, cải cách quan trọng cần thực hiện để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng bao trùm, bền vững hơn, hiệu quả hơn.

Từ các ý kiến thảo luận, phân tích, kiến nghị sâu sắc và quý báu của các diễn giả, chuyên gia tại Diễn đàn, Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, thực tế phát triển đất nước và bối cảnh mới, nhất là những tác động nghiêm trọng, đa chiều từ đại dịch Covid-19, đang đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng, quyết liệt nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện cải cách và phát triển mạnh mẽ với tất cả sự quyết tâm, với truyền thống dân tộc, ý chí của con người Việt Nam cũng như kế thừa và phát huy những thành quả đã được tích lũy từ hơn 30 năm đổi mới…” -  Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

Đọc thêm