Vụ Công ty Nhôm Toàn Cầu 'tẩy' xuất xứ: Cơ quan Hải quan chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm

(PLVN) - Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Tiến Lộc khẳng định, tại thời điểm này, cơ quan Hải quan chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm về xuất xứ đối với số lượng nhôm của Công ty Nhôm Toàn cầu mà dư luận cho rằng là nhôm Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam để xuất sang Mỹ.
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Tiến Lộc
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Tiến Lộc

Tại buổi họp báo chuyên đề về hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành Hải quan chiều 6/7, Cục trưởng Nguyễn Tiến Lộc đã trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về việc Công ty Nhôm Toàn cầu nằm trong diện nghi vấn liên quan đến vụ nhôm Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ có giá trị khoảng 4,3 tỷ đồng.

Ông Lộc cho hay, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ thì Mỹ đề nghị Việt Nam, cụ thể là cơ quan Hải quan xử lý vụ việc trên.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra từ năm 2017. Tuy nhiên, nhằm trả lời chính xác thực trạng này, Tổng cục Hải quan đã thành lập lực lượng điều tra, xác minh lại và hiện đã kết thúc quá trình điều tra, kiểm tra. 

Vấn đề vi phạm về xuất xứ, mà cụ thể là theo các quy định Việt Nam hiện hành thì ông Lộc khẳng định, chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm. 

Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu nhôm thành phần (như nhôm định hình) vào Việt Nam để sản xuất ra hàng xuất khẩu nhưng có thể do điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, hình dáng… thì doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất lại. Nghĩa là thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác nên trong quá trình chuyển đổi đó, doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn chuyển đổi mã số (thay đổi mã số hàng hóa).

Do đó, với tinh thần thận trọng và khẩn trương, đoàn kiểm tra đã kết luận chưa đủ căn cứ kết luận vi phạm và thông tin này sẽ được báo cáo với cấp trên để thông tin tới Chính phủ Mỹ theo Thỏa thuận hợp tác Hải quan Hoa Kỳ - Việt Nam.

Riêng thông tin trước đây nói về việc doanh nghiệp tồn lượng một lượng nhôm trị giá 4,3 tỷ USD, xấp xỉ 2 triệu tấn, thì theo ông Lộc, đây là lượng nhôm dự trữ để doanh nghiệp đưa vào sản xuất. 

Đồng thời, theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì hiện do tình hình khó khăn trong xuất khẩu, nhất là xuất khẩu tại thị trường Bắc Mỹ, trong khi phía Mỹ áp thuế đối với Công ty Hoàn Cầu, chứ không áp thuế đối với mặt hàng nhôm. Đây chính là lý do lượng nhôm đang tồn, doanh nghiệp bị lỗ, không xuất khẩu được.

Nhưng nhằm bảo đảm công tác quản lý, ngành Hải quan cũng chỉ đạo Hải quan địa phương, cụ thể là Hải quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện theo dõi giám sát và có chế độ báo cáo hàng tuần để bảo đảm theo dõi, giám sát chặt chẽ số hàng hóa này không thâm nhập vào thị trường nội địa hoặc khi xuất khẩu khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ bảo đảm các điều kiện tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam.

Trước đó, vào khoảng tháng 10/2019, báo chí đưa tin tờ báo The Wall Street Journal của Mỹ tiết lộ Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nằm trong diện nghi vấn liên quan đến vụ việc nhôm Trung Quốc đội lốt Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ có giá trị khoảng 4,3 tỷ đồng.

Lượng nhôm do một tập đoàn lớn về nhôm của Trung Quốc có tên là China Zhongwang đứng đằng sau. Doanh nghiệp này do tỷ phú nhôm Trung Quốc Liu Zhongtian đứng sau.

Điều tra của báo The Wall Street Journal cho thấy, tại Việt Nam, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu (có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), do hai người mang quốc tịch Úc (gốc Trung Quốc) là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong góp vốn làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu nằm trong diện nghi vấn.

Trong cuộc điều tra của báo Mỹ The Wall Street Journal, hơn 500.000 tấn nhôm đùn, nguyên liệu để sản xuất nhôm, đã được chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam, có liên quan tới doanh nghiệp này. Sau khi bị Mỹ áp thuế cao đối với nhôm Trung Quốc, phía doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm mọi cách để bí mật chuyển hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia như Việt Nam và Mexico để tẩy xuất xứ nhằm né thuế.

Đọc thêm